Bức xúc vì chỉ 1 trong 130 vụ vi phạm thương hiệu Hermes trong 3 năm qua được đưa ra tòa, đại diện sở hữu trí tuệ (SHTT) của hãng này tại Việt Nam - luật sư Phạm Đức Thắng - cho rằng Bộ luật Hình sự cần có những quy định cụ thể hơn.
Phạt hành chính là chủ yếu
Theo ông Thắng, hiện Hermes chỉ có 2 cửa hàng tại Việt Nam nhưng các sản phẩm mang nhãn Hermes đang được bán tràn lan ngoài thị trường. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến giá trị thương hiệu vì một sản phẩm túi Hermes có giá từ 5.000-37.000 euro, trong khi hàng giả thậm chí chỉ có giá vài trăm nghìn đồng.
Ông Thắng nói: “Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, công an kinh tế, quản lý thị trường thu giữ nhiều sản phẩm vi phạm và tiêu hủy hàng trăm nghìn sản phẩm. Trong 3 năm, có 130 vụ xâm phạm thương hiệu của chúng tôi, nhưng chỉ 5 vụ có yếu tố hình sự được chuyển sang cơ quan điều tra, trong đó chỉ một vụ được Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử và tuyên bị cáo phải bồi thường 500 triệu đồng (không phải chịu hình phạt tù giam). 4 vụ còn lại bị viện kiểm sát trả lại để phạt hành chính vì cho rằng chưa có quy mô thương mại”.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cũng cho biết, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHCN đều được xử lý hành chính, tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu.
Theo thống kê của ngành tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục nghìn vụ xâm phạm quyền bị xử lý hành chính, chủ yếu là tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%). Các tranh chấp trong lĩnh vực SHCN chiếm tỷ lệ rất thấp (5,5%). Số vụ xâm phạm quyền bị xử lý hình sự cũng không nhiều.
Tuy đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan thực thi quyền SHCN, nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.
“Có thể khẳng định, một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của hệ thống SHCN Việt Nam hiện nay chính là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền SHCN bằng biện pháp tư pháp” - ông Lâm khẳng định.
Cần quy định cụ thể về xử lý hình sự
Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Thanh tra Bộ KH&CN - cho rằng, thời gian qua cơ chế hành chính đóng vai trò chủ đạo trong xử lý xâm phạm quyền SHTT. Cơ chế dân sự được sử dụng rất hạn chế; còn biện pháp hình sự chủ yếu áp dụng xử lý hàng giả theo điều 156-158 Bộ luật Hình sự (cũ). Không thể khởi tố theo điều 171 “Tội xâm phạm quyền SHCN” do không có quy định liên quan đến xác định quy mô thương mại của hành vi. Hiện tại, Bộ luật Hình sự mới đã quy định ngưỡng hình sự, nhưng bị hoãn hiệu lực nên chưa rõ hiệu quả thực thi.
Trước tình hình đó, luật sư Phạm Đức Thắng chia sẻ với Khoa học và Phát triển: “Hy vọng Bộ luật Hình sự có những quy định cụ thể hơn để cơ quan thực thi có cơ sở khi xem xét khởi tố hình sự những vi phạm về SHCN, giúp những doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm hơn”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty SHTT Investip - cũng kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật: “Cần tăng nặng mức phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ để răn đe các hành vi vi phạm; bổ sung các quy định/hướng dẫn về nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu sử dụng rộng rãi, hành vi nộp đơn với động cơ không trung thực... và các nội dung chưa phù hợp, chưa rõ ràng khác. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với các quy định của pháp luật về SHTT”.
Theo truyenthongkhoahoc.vn