Sản phẩm gà Thanh Chương (Nghệ An) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đây không những là cơ hội để địa phương nâng cao danh tiếng, uy tín, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà Thanh Chương trên thị trường mà còn thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Sản phẩm chủ lực của địa phương
Gà ri phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, nổi tiếng thơm ngon, chất lượng. Vùng đất Thanh Chương, Nghệ An hội tụ nhiều đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng để cho ra đời những con gà ri thơm ngon. Để kích thích sản xuất phát triển, từ năm 2012 huyện Thanh Chương đã có chủ trương xây dựng thương hiệu cho đàn gà nhằm tuyển chọn, bảo tồn nguồn gen một giống gà nổi tiếng, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết bao tiêu đầu ra. Ngày 15/9/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2280/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Xây dựng phát triển thương hiệu tập thể gà Thanh Chương. Dự án tập trung vào 3 tiêu chí gồm lựa chọn con giống là gà cỏ địa phương; nuôi theo hình thức gà thả vườn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Năm 2014, tổng đàn gia cầm của huyện có 1.466 nghìn con, chiếm 10,3% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh, là huyện có số gà đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau huyện Yên Thành). Hiện, huyện có 30 gia trại, trang trại với quy mô từ 700-2.000 con/lứa tập trung ở các xã Thanh lâm, Thanh Xuân, Thanh Thủy, Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh Đức, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Hòa, Phong Thịnh, Cát Văn, Thanh Phong, Thanh Tường, Thanh Đồng, Đồng Văn, Thị trấn, Thanh An… Giống gà chủ yếu là gà cỏ, gà ri, gà cồ và gà lai.
Năm 2016, Hội chăn nuôi gà Thanh Chương nhận được sự hỗ trợ của Dự án JICA (Nhật Bản) hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và quản lý chuồng trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP; phương pháp chọn lọc gà giống, nuôi dưỡng, chăm sóc, kỹ thuật phối hợp khẩu phần thức ăn cho gà ở các giai đoạn bằng nguồn thức ăn địa phương; phương pháp giải quyết nguồn thức ăn đạm cho gà thả đồi...; tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học tiến đến chăn nuôi hữu cơ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã có quyết định số 1429/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 256659 cho Nhãn hiệu Gà Thanh Chương. Theo đó, các loại sản phẩm dịch vụ mang nhãn hiệu gồm: thịt gà đã chế biến, thực phẩm từ thịt gà; gà giống, gà còn sống; mua bán xuất nhập khẩu gà giống, gà sống, gà chế biến và thực phẩm là từ thịt gà.
Trước đó, để được công nhận nhãn hiệu tập thể trong quá trình xây dựng dự án, các quy chế, quy trình đã được xây dựng chặt chẽ như: Quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học; Quy trình chăn nuôi gà thịt thương phẩm; Quy trình chăn nuôi gà đẻ bố mẹ lấy trứng làm giống; Quy trình giết mổ, bao gói sản phẩm gà; Quy trình ủ men vi sinh hoạt tính; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm Balasa N01 để tạo đệm lót sinh học nuôi gà; Bộ tiêu chuẩn chất lượng “Gà Thanh Chương” là những việc cần làm để tạo nên những sản phẩm đảm bảo chất lượng cao tạo nên giá trị của nhãn hiệu tập thể. Các thành viên là hội viên Hội Chăn nuôi gà trong huyện đều phải tuân thủ các quy chế, quy trình này một cách chặt chẽ. Đây là một trong những yêu cầu để đảm bảo chất lượng sản phẩm một cách lâu dài, bền vững.
Cơ hội quảng bá và phát triển thị trường
Nói về vấn đề chất lượng sản phẩm của nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc cho Sở KH&CN Nghệ An cho biết, gà Thanh Chương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, để sử dụng và phát huy giá trị của sản phẩm, các cấp chính quyền huyện Thanh Chương cần nâng cao quản lý về mặt chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cũng chú trọng phát triển đàn gà để đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là công tác vô cùng quan trọng. Đối với sản phẩm gà đã qua giết mổ, công tác giám sát giết mổ cần được quan tâm hơn.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN và ông Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương
“Song song với công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa, việc quảng bá, phát triển thị trường rất cần thiết để sản phẩm gà Thanh Chương chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Hùng nói.
UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thực hiện nhiều biện pháp một cách đồng bộ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để giữ danh tiếng cho sản phẩm, đảm bảo hàng đúng chất lượng và nguồn gốc, tạo sự yên tâm với người tiêu dùng, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành các Quy chế về sử dụng tem nhãn, bao bì và các hình thức sử dụng nhãn hiệu tâp thể “gà Thanh Chương” dùng cho sản phẩm gà của huyện Thanh Chương; Quy chế sử dụng tem nhãn tập thể gà Thanh Chương…
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, thời gian tới cần ưu tiên phát triển chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh và hướng ra các tỉnh bạn; có tem nhãn để truy được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đến tận từng hộ chăn nuôi. Mỗi hộ chăn nuôi cần xây dựng cho mình một nhãn hiệu riêng trong nhãn hiệu tập thể. Với nhãn hiệu riêng đó, từng hộ có thể xây dựng chất lượng và hình ảnh của mình nhằm cạnh tranh với các hộ chăn nuôi khác. Để khuyến kích điều này, Sở KH&CN sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi làm nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, để sản phẩm gà Thanh Chương ra thị trường, tạo được dấu ấn cần xây dựng nhãn mác, bao bì bắt mắt, thể hiện được chất lượng cũng như nội dung sản phẩm, ông Hùng cho biết.
Chia sẻ về những thuận lợi của việc nhận nhãn hiệu tập thể, ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương cho biết, đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đón nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm gà Thanh Chương là cơ hội nhằm bảo vệ được quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng, hình thành, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của tài sản trí tuê nói chung, nhãn hiệu tập thể nói riêng trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, có trách nhiệm bảo vệ, phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc thù của địa phương mình.
Theo Sở KHCN tỉnh Nghệ An