Chống phóng xạ bằng bê tông

Phóng viên cùng tham gia kiểm định lại suất liều an toàn bức xạ bên ngoài phòng chụp X-quang. Để hạn chế nguồn phóng xạ từ hệ thống máy chiếu chụp X-quang, người ta đã sử dụng chì hút tia phóng xạ độc hại. Tuy nhiên, bức chắn chứa chì sử dụng thời gian dài sẽ thôi nhiễm độc hại. Với mong muốn tìm ra vật liệu thay thế chì, nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM kết hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vừa nghiên cứu thành công bê tông sử dụng vật liệu hấp thụ chống phóng xạ.
Chống phóng xạ bằng bê tông
Dân ít biết tác hại của tia X
Ngày 13/11, chúng tôi đã có một khảo sát nhỏ trước cổng Bệnh viện 175 trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TPHCM. Với khoảng cách chỉ 50m đã có 3 phòng khám có dịch vụ chiếu chụp X-quang. Đa số ý kiến các hộ dân sinh sống quanh những phòng khám này đều cho rằng: Chưa bao giờ để ý tới bức xạ phát ra từ việc chụp X-quang từ các phòng khám này.
Bà Phan Thị Diệu Trang, 55 tuổi ở số 311, Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp nói: Các phòng chụp này nằm bên trong nhà chứ không phải bên ngoài. Nếu có mất an toàn vì chất phóng xạ này thì chúng tôi cũng khó mà nhận biết.
Còn ông Huỳnh Văn Nam, một cán bộ hưu trí ngụ ở 167/3, phường 3, quận Gò Vấp cho rằng: "Vách tường nhà tôi sát vách phòng khám. Vì biết là các phòng chiếu chụp có liên quan tới tia phóng xạ và đa số họ đã dùng tấm chì che chắn, nên tôi cũng không mấy quan tâm tới vấn đề ảnh hưởng những tia phóng xạ đối với môi trường sống".
Theo bà Trương Thị Kim Khánh, Phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TPHCM - đơn vị kiểm tra cấp phép hoạt động các phòng X-quang cho biết, năm 2012, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng phòng khám sử dụng máy X-quang thông thường chụp răng. Đến nay, hiện vẫn còn khoảng 40% số phòng không đạt chuẩn, trong đó chủ yếu là phòng chụp răng.
Giải pháp cho an toàn bức xạ
TS Nguyễn Văn Dán, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu mới, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, từ trước tới nay chì là vật liệu truyền thống được sử dụng làm vật cản tia phóng xạ hữu hiệu, nhưng nhược điểm tấm chì là nặng, giá thành cao.
Việc nghiên cứu sử dụng vật liệu hấp thụ tính toán tỷ lệ pha trộn tạo ra tấm vật liệu mới gắn lên tường sau đó được trét một lớp bột trét cản tia X, tia rơn-ghen thay thế tấm chì đã khắc phục những nhược điểm, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Vật liệu ban đầu gồm xi măng, cát, bột hấp thụ và nước. Sau đó, các nhà khoa học phối trộn theo tỷ lệ 1:2:3 đem nghiền với bột hấp thụ trong thời gian 5 giờ rồi đem đổ khuôn. Kết quả cho thấy, hàm lượng bột hấp thụ 2.5% cho hệ số hấp thụ tia X, tia rơn-ghen gấp 3 lần bê tông thường và 2,5 lần bê tông chống phóng xạ có cùng chiều dày. Ngoài ra, giải pháp này còn cho ra đời loại vật liệu nhẹ hơn, không bị hiện tượng suy giảm hấp thụ theo thời gian và độc tính cao như chì. Hơn nữa, giá thành chỉ bằng 2/3 so với vật liệu chì.
Ông Bùi Nam Từ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ mới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho hay: Sau khi kiểm nghiệm tại Viện Hạt nhân Đà Lạt, vật liệu bê tông chống phóng xạ này đã được ứng dụng tại một số bệnh viện, phòng khám trong TPHCM gồm: Phòng cản tia X tại Bệnh viện 175 (TPHCM), Phòng khám đa khoa Hoa Sen (quận 1), đặt tấm cản tia X bằng vật liệu mới cho phòng mổ Bệnh viện Hồng Đức tại phường 6, quận 3 và Bệnh viện Hậu Giang..
Chiều 13/11, phóng viên cùng các chuyên gia của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và kỹ thuật viên phòng X-quang Bệnh viện Hồng Đức tiến hành đo khảo sát kiểm định lại suất liều bức xạ tại 3 vị trí của hệ thống khu phòng X-quang nhũ ảnh của Bệnh viện Hồng Đức. Tại đây, các vách tường được trét barit, cửa phòng được che chì dày 2mm. Thời điểm phát tia phóng xạ chụp X-quang địa điểm vách tường có số đo dao động trong khoảng 0,010 - 0,014, tại cánh cửa chính là 0,007, cửa sổ 0,008. Các thông số này đều nằm trong ngưỡng an toàn theo TCVN 6866 năm 2001 về "An toàn bức xạ và giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và dân chúng".

Những bệnh viện phòng khám sử dụng vật liệu mới bê tông hấp thụ bức xạ này qua thẩm định đều đạt tiêu chuẩn ATBX và đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra định kỳ chặt chẽ trong một thời gian để xác định chính xác về thời hạn hấp thụ tia bức xạ, tiến tới sản xuất ứng dụng rộng hơn.
Bà Trương Thị Kim Khánh (Sở KH&CN TPHCM)

                                                                                               Theo Kienthuc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây