Cơ quan hoạch định cần sớm xây dựng định hướng quy hoạch địa điểm có thể chôn cất và lưu giữ chất thải phóng xạ phục vụ yêu cầu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Tại cuộc họp chiều ngày (9/9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chính thức giao nhiệm vụ này cho Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ với mục tiêu được dự báo lượng chất thải phóng xạ phát sinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, xác định phương pháp lưu giữ, chôn cất đối với từng loại chất thải phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh nguồn phóng xạ. Từ đó, sớm trình quy mô và lựa chọn các địa điểm phù hợp để xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ của quốc gia.
Cho đến nay, chất thải phóng xạ ở Việt Nam được xác định nguồn gốc từ sản xuất điện hạt nhân, chu trình nhiên liệu hạt nhân như khai thác, chế biến urani, chế tạo thanh nhiên liệu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong sản xuất, bao gói và trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng, dầu khí.
Theo dự báo, phát sinh chất thải phóng xạ đến năm 2020 ở Việt Nam là không lớn. Dự kiến, dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2020. Trong khi đó, số nguồn phóng xạ trong lĩnh vực y tế (chủ yếu ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện K Hà Nội) và công nghiệp đang được thực hiện lưu giữ, xử lý theo quy định.
Trên cơ sở dự báo lượng chất thải phóng xạ phát sinh, phương pháp, công nghệ lưu giữ, chôn cất, cơ quan hoạch định sẽ thiết lập các tiêu chí để xác định địa điểm, quy mô với các cấp độ phù hợp.
Đây cũng là yêu cầu được Quốc hội quy định rõ trong Luật Năng lượng nguyên tử thông qua ngày 3/6/2008 về việc quy hoạch địa điểm chôn cất và lưu giữ chất thải phóng xạ.
Theo Chinhphu.vn