Từ 1/6/2014, vàng trang sức mỹ nghệ sẽ được quản lý theo tiêu chuẩn mới Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 Kara trở lên.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy ( Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.
Thông tư 22 sẽ làm cho thị trường vàng trang sức thay đổi như thế nào so với hiện nay, thưa ông?
Trong thời gian vừa qua, không ít lần các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều ý kiến của người tiêu dùng về chất lượng vàng không có quy chuẩn nào, nhất là vàng nữ trang. Nhiều người dân cho biết khi họ mua vàng được tính theo tuổi vàng cao, nhưng đến khi cần bán thì họ bị mua lại với tuổi vàng bị định giá kém đi nhiều lần. Ngay cả vàng miếng có thương hiệu, nếu đem vàng của thương hiệu này bán cho doanh nghiệp khác thì cũng bị định giá thấp hơn.
Thiệt thòi thì chỉ có người mua chịu và không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Theo phản ánh của chính những người trong ngành, để cạnh tranh nhau về giá, một số doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện hành vi gian lận tuổi vàng nữ trang.
Trước đây, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chung về hoạt động kinh doanh vàng, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về quản lý đo lường và chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó, thị trường kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ còn bị buông lỏng. Người tiêu dùng thường bị thiệt thòi vì không biết được chính xác hàm lượng vàng trang sức mỹ nghệ được mua hoặc khi bán lại thì bị các đơn vị kinh doanh cho rằng vàng không đủ tuổi nên bị ép mua giá thấp hơn.
Đây cũng chính là kẽ hở trong hoạt động kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gian lận thì hưởng lợi và không bị xử lý. Trong khi đó, người tiêu dùng bị thiệt hại.
Bên cạnh đó việc thử nghiệm, giám định chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ còn chưa thống nhất, mỗi doanh nghiệp quy định, sử dụng các loại phương tiện, máy móc, phương pháp thử khác nhau, dẫn đến cùng một loại vàng nhưng thử nghiệm, giám định ở các cửa hàng khác nhau thì có kết quả khác nhau nên người tiêu dùng mua vàng ở đâu thì phải bán ở đó, nếu không sẽ bị ép giá, khó khăn trong quá trình mua, bán.
Vì vậy, để chấn chỉnh, kiểm soát chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Để quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, ngày 26/9/2013, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 sẽ chấn chỉnh được tình trạng chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay.
Trong đó đưa ra các quy định, yêu cầu đối với việc quản lý chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức mỹ nghệ; Trong yêu cầu quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra yêu cầu về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, đặt ra yêu cầu về chất lượng đối với vàng trang sức, yêu cầu về tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đồng thời, Thông tư 22 cũng quy định về năng lực, trình độ của các tổ chức thử nghiệm chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ.
Thưa ông, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định như thế nào?
Vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 Kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 Kara (99,9%).
Việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức, đặc biệt ở các cửa hàng vàng nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được quản lý, giám sát như thế nào?
Thực ra, việc kiểm soát và thực hiện các quy định về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt cửa hàng nhỏ lẻ hay ở vùng sâu vùng xa. Nói cách khác, cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, nhỏ lẻ nếu kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì cũng phải tuân thủ các quy định về kinh doanh vàng.
Bên canh đó, Bộ KH&CN đã giao việc thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:
Về kiểm tra: Giao cho Chi cục TC ĐL CL tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Về thanh tra: Giao cho Thanh tra Sở KHCN tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đối với sản phẩm vàng 24k nhưng lại được chế tác thành vàng trang sức thì sẽ thuộc quản lý của đơn vị nào?
Nếu là vàng trang sức mỹ nghệ mà có hàm lượng vàng là 24K lưu thông trên thị trường thì như đã nói ở trên thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN nói chung và Bộ đã giao cho Chi cục TCĐLCL, Thanh tra Sở KH&CN thực hiện việc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn của địa phương đó.
Nếu là việc sản xuất, chế tác vàng 24K, thì theo Nghị định 24, việc này được giao cho Ngân hàng nhà nước kiểm soát cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Vậy, đối với những sai phạm về tuổi vàng, nhãn mác sản phẩm thì sẽ có mức xử phạt như thế nào?
Việc xử phạt vi phạm về chất lượng và đo lường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể được quy định trong Nghị đinh 80.
Xin cảm ơn ông!
Theo VietQ.vn