Người tiêu dùng lo lắng với sữa vón cục. Ảnh minh họa Người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi, nhiều vụ vi phạm quyền lợi xảy ra như: bớt xén trong đo lường; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, tệ nạn hàng giả, các lĩnh vực dịch vụ còn nhiều bất cập…
Dân kiện Công ty Vinacaphe Quảng Trị
150 hộ dân trồng cà phê ở xã Pa Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã gửi đơn tới TAND tỉnh Quảng Trị kiện Công ty Vinacaphe Quảng Trị vì đã bội tín.
Theo đơn kiện, vào năm 2002 - 2003, 150 hộ dân trên đã ký hợp đồng thuê 200ha đất của Công ty Cà phê Đường 9 (nay là Công ty Vinacaphe Quảng Trị) để trồng cà phê Catimor. Thời hạn thuê đất hơn 30 năm, song mới được 10 năm thì công ty này đã đem bán sạch 200ha đất này cho một đối tác khác, đẩy dân vào chỗ vô cùng khó khăn.
Theo hợp đồng giữa 2 bên, ngoài cho thuê đất, công ty này còn cho người dân vay hơn 13 triệu đồng/ha cà phê trồng mới, lãi suất 0,54%/tháng, tính lãi 6 tháng/lần, bắt buộc trả cả gốc lẫn lãi trong 9 năm. Người dân sau đó sẽ được tiếp tục vay vốn của công ty với lãi suất bằng và cao hơn lãi suất ngân hàng (1,2 - 1,8%/tháng) để tiếp tục chăm bón và thu hoạch quả cà phê. Đổi lại, sản phẩm cà phê mà người dân làm ra bắt buộc phải bán cho công ty.
Qua gần 10 năm, trong khi chưa có bất kỳ hộ dân nào làm ăn có lãi do các khoản phải chi trả quá lớn, thì bỗng dưng Công ty Vinacaphe Quảng Trị lại quyết định bán sạch 200ha cà phê trên làm bà con nông dân điêu đứng.
Sữa vón cục Abbott bị vón cục tại nhiều gia đình
Chị Tống Thị Thu Hà (Ngõ Văn Chương, Hà Nội) bị tiêu chảy khi uống thử sữa Gain IQ3 của con. Trước đó, chị Hà vẫn ép con uống sữa này vì cho nguyên nhân tiêu chảy không phải do sữa.
Sang ngày thứ 5, chị Hà cho con uống sữa trở lại nhưng sau 3 giờ, cháu bé bị tiêu chảy lại. Lo con ốm yếu, người mẹ bỏ hộp cũ, mua 1 hộp Gain IQ mới cho con uống thì cháu bé hết biểu hiện tiêu chảy.
Trường hợp thứ 3, anh Nguyễn Hoàng Mai (Láng Hạ, Hà Nội) "gặp phải" sản phẩm khác của Abbott, sữa Grow School. Cháu bé hơn 6 tuổi, uống 3 lần sữa trong hộp vừa mở, cả 3 lần cháu đều kêu có vị chua và bị đau bụng đi ngoài sau đó. Khi pha sữa cho con, anh Mai thấy trên bề mặt sữa kết cặn đóng cục không tan màu trắng (theo lời anh, có thể vớt cả thìa), nếm có vị chua.
Anh Mai quyết định cho con ngừng uống sữa, tiêu hóa của cháu bé đã ổn định trở lại. Các khách hàng nói trên lo lắng khả năng mua phải sữa giả kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Đại diện Công ty sữa Abbott Hoa Kì cho biết "những lon sữa đã mở không có giá trị để kiểm nghiệm do các cơ quan kiểm định không chấp nhận kiểm nghiệm sản phẩm bị môi trường tác động do đã mở nắp". Do các khách hàng cùng kiên quyết yêu cầu Abbott kiểm nghiệm sữa trong các hộp mà các cháu bé đã uống để kiểm tra và trả lời về nghi ngờ sữa gây tiêu chảy của họ, Abbott đành chấp thuận. Tuy nhiên theo nhân viên lấy mẫu sản phẩm Grow School, mẫu này chỉ được mang về để... "kiểm tra cảm quan".
Lon Coca Cola trống không dù chưa bật nắp
Chị Vũ Thị Lan - chủ tiệm nước và tạp hóa số 59 (ngõ 184, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh trong khi bán hàng, chị đã phát hiện 1 thùng Coca-Cola có vấn đề. Cụ thể, khoảng 8 lon nước trong 1 thùng 24 lon bị thiếu dung tích, chỉ còn ½ - ¼ lon. Dù các lon đều nguyên vẹn, không có dấu hiệu của vết thủng, song nước trong các lon vẫn gỉ ra làm mục cả thùng carton. Dưới đáy mỗi lon, lô nước này ghi ngày sản xuất 1/12/2011, hạn sử dụng đến 30/11/2012.
Phía Coca-Cola Việt Nam khẳng định, các sản phẩm của nhà cung cấp này và sản phẩm cùng lô mà chị Lan đã mua đều đảm bảo chất lượng. Đại diện Coca-Cola Việt Nam cũng cho biết, công ty đã cho kiểm tra báo cáo sản xuất cũng như mẫu lưu của lô hàng có cùng ngày giờ sản xuất với lon sản phẩm bị phản ánh, và kết quả cho thấy không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, chị Lan vẫn tỏ ra lo lắng vì chồng và con chị ngày nào cũng uống Coca Cola. Chị băn khoăn không biết chất lượng của loại nước ngọt này có bảo đảm sức khỏe cho gia đình và khách hàng của mình không.
Khách hàng kiện công ty bảo hiểm
TAND TP. Hà Nội thụ lý vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Công ty CP Nishu Nam Hà (có trụ sở tại Hà Nam) và bị đơn là Công ty CP Bảo hiểm Hàng không. Theo đơn khởi kiện của Công ty Nishu, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng "bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt" với Công ty CP Bảo hiểm Hàng không từ ngày 18/8/2009. Sau một năm, hợp đồng bảo hiểm hết hạn, hai bên tiếp tục ký 2 hợp đồng bảo hiểm đều có thời hạn 1 năm.
Ngày 11/11/2010, công ty Bảo hiểm Hàng không phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm của 2 hợp đồng tổng cộng là 13,8 triệu đồng. Do Công ty Nishu không thấy cán bộ thu phí đến thu tiền như trước nên ngày 14/12/2010, doanh nghiệp này đã nộp phí bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Hàng không đã nhận đủ tiền phí này.
Đến đêm 3/1/2011, tại công ty Nishu xảy ra hỏa hoạn. Sau khi giám định tổn thất là hơn 14 tỷ đồng, và cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu phá hoại trong vụ việc, công ty Nishu đã đề nghị Công ty CP Bảo hiểm Hàng không giải quyết bồi thường theo đúng thỏa thuận với mức cao nhất dành cho các khoản mục tổng cộng là hơn 9 tỷ đồng. Song Công ty Bảo hiểm Hàng không từ chối bồi thường với lý do các hợp đồng bảo hiểm trên trong tình trạng nộp phí chậm nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, trong đó có quy định người tiêu dùng có thể kiện doanh nghiệp vì những sản phẩm lỗi hoặc không đúng với công bố.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sự tham gia của nhiều phía, đặc biệt là người tiêu dùng và nhà sản xuất hàng hóa. Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình bằng cách mua sắm những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ, khi bị xâm hại cần tìm đến tổ chức xã hội để khiếu nại... Nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cần sản xuất, bán những sản phẩm có chất lượng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đó cũng chính là bảo vệ sự tồn tại phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.
Theo VietQ.vn