Nâng cao năng suất chất lượng - Doanh nghiệp chưa mặn mà

Sở KH-CN TPHCM tập huấn kiến thức cho khách sạn REX trong việc áp dụng công cụ quản lý tiên tiến Từ năm 2006, doanh nghiệp TPHCM cùng với cả nước đã tích cực tham gia “Thập niên năng suất chất lượng quốc gia lần thứ II” bằng việc áp dụng các công cụ và giải pháp tiên tiến như: Chuẩn đối sánh, Thẻ điểm cân bằng, Quản lý quan hệ khách hàng; Sản xuất tinh gọn… nhằm gia tăng giá trị. Nhân dịp Hội nghị Nâng cao năng suất chất lượng TPHCM năm 2013 vừa diễn ra, ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Nâng cao năng suất chất lượng - Doanh nghiệp chưa mặn mà
- PV: Xin ông cho biết tình hình thực hiện “Thập niên năng suất chất lượng Việt Nam” và kết quả đạt được tại TPHCM?
>> Ông TRỊNH MINH TÂM: Từ năm 1996, nhà nước đã phát động Thập niên năng suất chất lượng lần thứ I (1996 - 2005), đến nay đang trong Thập niên năng suất chất lượng lần thứ II (2006 - 2015). Từ năm 2000 đến nay, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 30 lớp đào tạo phổ biến kiến thức cho gần 1.500 lượt học viên là nhân viên tại các doanh nghiệp (DN). Ngoài việc hỗ trợ đào tạo miễn phí này, chúng tôi còn hỗ trợ một phần kinh phí (khoảng 10%) để DN triển khai áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, từ đó đạt được các chứng chỉ, chứng nhận năng suất chất lượng như ISO 9000, ISO 14001, ISO/IEC 17025, thực hành 5S…
Từ tiền đề này, khoảng 2.000 DN tại TPHCM đã đạt các chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng (chiếm 20% - 25% trong tổng số DN cả nước). TP đã có 95 lượt DN được trao giải thưởng chất lượng quốc gia - đỉnh cao của phong trào chất lượng, trong đó có 13 lượt DN đoạt giải vàng. Cùng với đó là 7/25 DN trên cả nước đạt giải thưởng chất lượng châu Á - Thái Bình Dương.
- Số DN được hỗ trợ áp dụng công cụ quản lý tiên tiến đến nay chỉ dừng lại con số 450. Riêng 10 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ 11 DN được hỗ trợ. Có quá ít không, thưa ông?
TPHCM hiện có hàng trăm ngàn DN đang hoạt động. Nếu so với số lớp đào tạo dừng lại 30 lớp/năm với mức trung bình 45 học viên/lớp thì không tương xứng với tiềm năng hiện có. Chúng tôi luôn mong muốn DN tham gia với số lượng lớn hơn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, DN hiện tham gia ít do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc áp dụng các công cụ quản lý để nâng cao năng suất chất lượng. Có DN còn thẳng thắn bày tỏ với chúng tôi rằng, áp dụng công cụ tiên tiến tốn nhiều kinh phí và thêm vào đó còn nhiều tiêu chí phức tạp, khó thực hiện thành công… Với nhận thức đó, DN cũng bỏ qua những cơ hội để tiếp cận với các hỗ trợ sẵn có của TPHCM trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân họ trên thương trường.
- Năm nay, TPHCM chỉ có 4 DN đoạt giải thưởng chất lượng quốc gia. Có vẻ DN tại TPHCM không mặn mà lắm với giải thưởng?
Kinh nghiệm triển khai cho thấy nhận thức vẫn là vấn đề cốt yếu. Nhiều DN coi đó như là giải thưởng sản phẩm bình thường. Không thể phủ nhận giải thưởng năng suất chất lượng quốc gia chấm điểm dựa trên 7 tiêu chí rất khó đạt được, nhưng do tâm lý của DN khi tham gia giải thưởng là muốn có giải vàng ngay. Còn dự đoán không đạt thì ngại tham gia. Đây là vấn đề chính. Còn đứng về góc độ quản lý, chúng tôi nhận thấy cũng cần phải nỗ lực hơn trong việc tuyên truyền, quảng bá cho giải thưởng này. Nếu DN xem việc tham gia giải thưởng như là cách để xem xét, đánh giá lại năng lực của mình thì dù không đoạt giải vẫn có nhiều lợi ích thiết thực cho chính DN.
- Hội nghị nâng cao năng suất chất lượng TPHCM vừa diễn ra có chủ đề “Cải tiến quản lý để nâng cao năng suất chất lượng”. Vậy cải tiến quản lý có phải là giải pháp mà TPHCM tập trung hỗ trợ DN trong thời gian tới?
Đúng vậy. Quản trị sản xuất, quản trị DN là một trong những mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Đây là giải pháp trọng yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động DN. Một kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã chỉ ra 55% kết quả nâng cao năng suất là do quản lý. Phải hiểu rõ, quản lý ngày nay có khái niệm rất rộng bao gồm quản trị nhân lực, quản trị thông tin, quản trị an toàn, quản trị rủi ro… Trong bối cảnh hiện nay, do hạn hẹp về nguồn vốn, DN cần phải khơi dậy tính sáng tạo, vận dụng vào DN của mình và yếu tố quản lý góp phân nửa trong nâng cao năng suất, DN phải vận dụng tối đa các công cụ quản lý tiên tiến trong điều kiện này.
                                                                         Nguồn tin: Sài Gòn Giải phóng
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây