Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay cả nước đã có hơn 1.600 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay cả nước có 1.142 chương trình đào tạo của 145 cơ sở giáo dục đại học và 5 chương trình đào tạo Cao đẳng của 5 trường Cao đẳng được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước. 500 chương trình đào tạo của 58 cơ sở giáo dục Đại học được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài.
Các tổ chức thực hiện đánh giá tiêu chuẩn trong nước gồm nhiều các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Các tổ chức đánh giá tiêu chuẩn nước ngoài đáng chú ý như Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN; Ủy ban Văn bằng Pháp; Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ, Hoa Kỳ và nhiều tổ chức uy tín khác.
Một số cơ sở giáo dục Đại học có nhiều chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài như: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); Đại học Bách khoa Hà Nội, 45 chương trình; Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 8 chương trình.
Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh: 12 chương trình; Trường đại học Lạc Hồng: 10 chương trình; Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội): 8 chương trình; Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): 8 chương trình…
Được biết, để tổ chức thực hiện đánh giá tiêu chuẩn trong nước, cả nước có 7 trung tâm kiểm định triển khai. Trong đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA) thực hiện đánh giá số lượng nhiều nhất với 406 chương trình đào tạo.
Liên quan tới các trường đạt tiêu chuẩn nước ngoài, theo Cục Quản lý chất lượng, dữ liệu cập nhật đến cuối tháng 11 cho thấy cả nước có 244 cơ sở giáo dục Đại học, học viện và 22 trường Cao đẳng Sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá (chu kì 1); 105 cơ sở giáo dục Đại học, Học viện, 1 trường Cao đẳng Sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá (chu kì 2). 193 cơ sở giáo dục Đại học và 11 trường Cao đẳng Sư phạm được đánh giá ngoài chu kì 1; 95 cơ sở giáo dục Đại học và 1 trường Cao đẳng Sư phạm được đánh giá ngoài chu kì 2.
Số trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước gồm: 187 cơ sở giáo dục Đại học, 11 trường Cao đẳng Sư phạm (chu kì 1); 77 cơ sở giáo dục Đại học, 1 trường Cao đẳng Sư phạm (chu kì 2).
Ngoài ra, có 9 cơ sở giáo dục Đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài, gồm: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), ĐH Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
9 cơ sở giáo dục nói trên được đánh giá bởi 4 tổ chức nước ngoài, theo tiêu chí của các tổ chức này. Đó là HCERES - Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp; AUN-QA - Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN; FIBAA - Quỹ Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế và QAA - Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Vương quốc Anh.
TCVN ISO 21001:2019 – Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục Hệ thống quản lý Giáo dục – ISO 21001:2018 là tiêu chuẩn được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO và phiên bản được ban hành tại Việt Nam là TCVN ISO 21001:2019. Tiêu chuẩn này được vận hành như một công cụ quản lý cho các tổ chức giáo dục, nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giáo dục và giúp các trường đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên, giáo viên,… TCVN ISO 21001 là tiêu chuẩn có thể áp dụng cho toàn bộ tổ chức giáo dục, không phân biệt loại hình, quy mô hay phương pháp cung cấp. Ngoài ra, không riêng các tổ chức giáo dục chuyên biệt, TCVN ISO 21001 có thể áp dụng cho các tổ chức giáo dục nhỏ nằm trong các tổ chức lớn hơn có hoạt động chính không phải là giáo dục, chẳng hạn như các cơ quan đào tạo chuyên môn, các Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ… Việc áp dụng Tiêu chuẩn ISO 21001 giúp các tổ chức giáo dục Đại học thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín của tổ chức giáo dục thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng toàn diện. Ngoài ra, việc áp dụng ISO 21001 cũng là cách chứng tỏ cam kết của tổ chức giáo dục với việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho các học viên mà còn cả các nhà sư phạm, phụ huynh và các bên liên quan khác thông qua cải thiện các quy trình đổi mới trong tổ chức giáo dục. |
Theo VietQ.vn