ISO 45001:2018 ra đời với sứ mệnh giúp doanh nghiệp hạn chế những rủi ro không đáng có liên quan tới sức khỏe của công nhân viên. Đối với doanh nghiệp sản xuất, ISO 45001:2018 trở thành công cụ đắc lực để thúc đẩy nâng cao năng suất.
ISO 45001:2018 là hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cung cấp các tiêu chí, khuôn khổ để cải thiện an toàn lao động, giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc và tạo điều kiện làm việc an toàn hơn. Đây là tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp quản lý an toàn về sức khoẻ cho công nhân viên, tránh trường hợp tử vong, tai nạn lao động liên quan và bệnh tật. ISO 45001:2018 có thể áp dụng cho mọi loại hình, lĩnh vực và quy mô khác nhau.
ISO 45001:2018 được coi là điểm tựa cho doanh nghiệp để hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất.
ISO 45001:2018 được vận hành tương thích với các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001… nhằm tạo điều kiện xây dựng hệ thống quản lý với mục đích đảm bảo chất lượng cho sản phẩm – an toàn cho người lao động – thân thiện với các tiêu chí của an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp tự nhiên – tiết kiệm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng tại các tổ chức sản xuất, dịch vụ, các tổ chức kinh doanh cũng như tổ chức phi lợi nhuận. Miễn là tổ chức đó có những người làm việc hoặc những người có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động trong quá trình sản xuất thì việc áp dụng hệ thống để quản lý sức khỏe và an toàn sẽ mang lại lợi ích cho tổ chức.
Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 cho phép doanh nghiệp cải tiến kết quả hoạt động an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bằng cách: Xây dựng, thực hiện chính sách và các mục tiêu OH&S; Thiết lập các quá trình có hệ thống xem xét “bối cảnh” của tổ chức và có tính đến rủi ro và cơ hội, yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác.
ISO 45001:2018 ra đời với sứ mệnh giúp doanh nghiệp hạn chế những rủi ro không đáng có liên quan tới sức khỏe của công nhân viên.
Xác định các mối nguy, rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp gắn với hoạt động của tổ chức; tìm cách loại bỏ chúng, hoặc kiểm soát để giảm thiểu tác động tiềm ẩn; Thiết lập kiểm soát vận hành để quản lý rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cũng như các yêu cầu pháp lý và yêu cầu khác;
Nâng cao nhận thức về rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của tổ chức; Đánh giá kết quả hoạt động an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và tìm cách cải tiến kết quả thông qua các hoạt động thích hợp; Đảm bảo người lao động có vai trò chủ động trong các vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Việc kết hợp các biện pháp này sẽ đảm bảo tăng cường danh tiếng của tổ chức, mang đến nhiều lợi ích trực tiếp như: Cải thiện khả năng đáp ứng vấn đề về tuân thủ pháp luật; Giảm chi phí về tai nạn; Giảm thời gian, chi phí cho gián đoạn vận hành; Giảm chi phí đóng bảo hiểm; Giảm sự vắng mặt và tỷ lệ biến động nhân sự; Thừa nhận đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế; Tác động đến khách hàng đang quan tâm đến trách nhiệm xã hội.
Nguồn: VietQ.vn