NQI - công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

     Tương tự như các hạ tầng vật lý khác, việc xây dựng và phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

 

    Khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia (sau đây viết tắt là NQI) được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển và Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức đưa ra vào năm 2005 trong Đổi mới Chiến lược Xuất khẩu - Phương pháp Tiếp cận Chiến lược đối với Thách thức Đảm bảo Chất lượng. Với việc liên tục phổ biến NQI trong các lĩnh vực liên quan, giới học thuật và các tổ chức quốc tế liên quan vẫn đang mở rộng khái niệm NQI về nội hàm và phạm vi của nó.

    Vào tháng 11 năm 2018, cuộc họp khai mạc của Mạng lưới Quốc tế về Hạ tầng Chất lượng (INetQI) đã được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, nơi định nghĩa mới nhất của NQI được đề xuất với các chính sách có liên quan đến khuôn khổ pháp lý và quy định cũng như các thông lệ cần thiết để hỗ trợ và nâng cao chất lượng, an toàn và tính lành mạnh về môi trường của hàng hóa, dịch vụ và quy trình. NQI dựa trên các tiêu chuẩn, đo lường, công nhận và đánh giá sự phù hợp. NQI tập trung vào các yếu tố kỹ thuật như tiêu chuẩn, đo lường, công nhận, kiểm định và thử nghiệm, cùng hỗ trợ đảm bảo chất lượng, nâng cao, cam kết, truyền tải và tin cậy thông qua sự phối hợp lẫn nhau.

    Do vậy, theo thông lệ quốc tế, hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

    Hạ tầng chất lượng quốc gia là thuật ngữ tương đối mới. Thuật ngữ này không có nghĩa là chất lượng của các hạ tầng vật lý như: đường xá, bến cảng hoặc lưới điện… Mặc dù các cấu phần của NQI gồm đo lường, tiêu chuẩn, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp có rất nhiều đóng góp quan trọng để đảm bảo chất lượng của hạ tầng vật lý. Tuy nhiên, phạm vi của NQI rộng hơn rất nhiều. Thuật ngữ này đề cập đến hệ thống phần cứng (hardware) và phần mềm (software) cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nền kinh tế.

     Theo Báo cáo của tổ chức phát triển tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) năm 2022 công bố: cơ sở hạ tầng chất lượng (QI) gồm 5 thành phần: Tiêu chuẩn, Đo lường, Đánh giá sự phù hợp, Giám sát thị trường (Market surveillance), Chính sách. Các thành phần này là công cụ hỗ trợ cho phát triển dựa trên các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của liên Hiệp quốc: xã hội (con người), môi trường (hành tinh), kinh tế (sự phồn vinh).

Ảnh minh hoạ

Các cấu phần chính của NQI

    NQI bao gồm một hệ thống kiểm soát các tiêu chí chất lượng. Cấu phần thứ nhất là tiêu chuẩn hóa. Tiêu chuẩn hóa bao gồm các quy trình cần thiết để xây dựng, công bố và phổ biến áp dụng các quy định về đặc tính kỹ thuật nhằm nâng cao tính phù hợp của sản phẩm, dịch vụ, quá trình và môi trường, qua đó tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, chuyển giao công nghệ, hạn chế các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Mỗi nền kinh tế đều có một cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (National Standards Body, NSB) đại diện cho quốc gia đó trong Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO).

    Cấu phần thứ hai là đo lường. Đo lường là hoạt động khoa học và ứng dụng về đo lường nhằm xác định (về mặt lý thuyết và thực nghiệm) các yếu tố “không chắc chắn” trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đo lường bao gồm các đơn vị đo lường được quốc tế công nhận, việc thiết lập các chuẩn đo lường và đảm bảo liên kết chuẩn quốc tế của các phép đo... Các Viện Đo lường quốc gia (National Metrology Institute, NMI) có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống đo lường của các nền kinh tế và được thành lập để thực hiện các hoạt động về đo lường, duy trì các chuẩn đo lường của nền kinh tế đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế đều có NMI. Một số nền kinh tế có NMI và các cơ sở chuyên môn để lưu giữ/duy trì các chuẩn đo lường riêng.

    Cấu phần thứ ba là công nhận. Công nhận là xác nhận hoặc tuyên bố chính thức của một bên thứ ba độc lập (tổ chức công nhận) về tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ đo lường, chất lượng… do tổ chức đó cung cấp. Tổ chức công nhận quốc gia (National Accreditation Body, NAB) là một tổ chức/cơ quan xác nhận năng lực và tính khách quan của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC. Một số nền kinh tế có nhiều hơn một tổ chức công nhận.

Cấu phần thứ tư là hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoạt động đánh giá sự phù hợp đảm bảo rằng các yêu cầu cụ thể của sản phẩm, quá trình, hệ thống, con người hoặc tổ chức được đáp ứng theo yêu cầu riêng của đối tượng và các chuẩn mực chung về đánh giá sự phù hợp theo ISO/IEC 17000. Các yêu cầu được nêu rõ trong tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm thử nghiệm (testing), giám định (inspection), kiểm định (verification), chứng nhận (certification). Các tổ chức đánh giá sự phù hợp (Conformity Assessment Bodies, CAB) khác nhau có thể thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp. CAB có thể có hình thức hoạt động và quyền sở hữu khác nhau, được thành lập dưới hình thức các tổ chức thương mại hoặc phi lợi nhuận; có thể là cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia, hiệp hội thương mại, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoặc tư nhân.

    Cấu phần thứ năm là giám sát thị trường. Giám sát thị trường là công cụ thiết yếu để thực thi các quy chuẩn kỹ thuật. Mục đích của giám sát thị trường là đảm bảo các sản phẩm đưa vào thị trường tuân thủ về mọi mặt các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật liên quan để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người, động, thực vật và môi trường trong phạm vi quốc gia. Từ góc nhìn của các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh tế, giám sát thị trường cũng là hoạt động quan trọng, giúp giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

     Các cấu phần có những hoạt động riêng đồng thời thực hiện tương tác và tạo thành một hệ thống nhất. Các cấu phần này liên kết những tổ chức đánh giá quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ với chuỗi giá trị quốc gia, quốc tế. Đóng vai trò trung gian, NQI tạo ra sự tin tưởng giữa đối tác thương mại và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ.

 

    Với vai trò của mình, NQI được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, đóng vai trò tiền đề để các nước đang phát triển tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại. Mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở các nước đang phát triển có thể có chất lượng cao nhưng vẫn rất khó để các nước đó “tiếp thị” sản phẩm và dịch vụ ra quốc tế nếu NQI không hoạt động hiệu quả và bảo đảm tuân thủ đúng các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế. Tương tự như các hạ tầng vật lý khác, việc xây dựng và phát triển NQI được coi là nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

                                                                                                                  Nguồn: vietq.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây