Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Máy bơm là thiết bị không thể thiếu trong hầu hết các ngành của nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống dân sinh và an ninh quốc phòng. Ở các nước công nghiệp tiên tiến (Nga, Nhật Bản, Anh, Đức, Anh, Mỹ, Thụy Điển…) do nền kinh tế và đời sống dân sinh phát triển mạnh, nhu cầu về bơm phục vụ sản xuất và dân sinh ngày càng nhiều, vì vậy, ngành chế tạo bơm ở các nước này đã đầu tư xây dựng các dây chuyền công nghệ sản xuất bơm với mức độ hoàn thiện và hiện đại để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ở châu Á, các nước (Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ,…) có ngành chế tạo bơm phát triển tốt trong những thập niên gần đây. Các nước này đã tiếp cận nhanh với các công nghệ mới của các nước có ngành chế tạo bơm phát triển. Các sản phẩm bơm của các nước này còn nhiều hạn chế về chất lượng và hiệu suất do kinh nghiệm còn ít và dây chuyền công nghệ còn nhiều khiếm khuyết. Khảo sát thực tế ở một số nước ASEAN như: Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia,…, cho thấy, ngành chế tạo bơm ở các nước trên cũng không Việt Nam. Các nước Lào, Campuchia, Mianma hầu như không có cơ sở hạ tầng của ngành chế tạo bơm, kể cả cán bộ khoa học chuyên sâu về ngành này cũng rất ít. Chính vì vậy, việc nhập khẩu, sử dụng và khai thác thiết bị bơm của các nước này đều đạt hiệu quả thấp.
Ở nước ta, ngay từ khi hòa bình lập lại, bắt đầu thực hiện kế hoạch tái thiết đất nước, Đảng và Chính phủ đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển ngành cơ khí chế tạo máy nói chung và chế tạo máy bơm nói riêng. Trong những năm gần đây, nền kinh tế phát triển cùng với những hiện tượng hạn hán úng lụt thường xuyên do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, nhu cầu về các loại bơm, đặc biệt là các bơm đặc thù và bơm công suất lớn ở nước ta, ngày càng nhiều. Hằng năm, nước ta phải nhập khẩu khá nhiều bơm với kinh phí hàng trăm triệu USD. Mặc dù vậy, ngành chế tạo bơm Việt Nam vẫn phát triển chậm, còn thua kém nhiều so với các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Lý do cơ bản là: các dây chuyền sản xuất bơm nói riêng và lĩnh vực sản xuất cơ khí nói chung của nước ta chưa được đầu tư hoàn thiện, công nghệ một số khâu còn lạc hậu; chưa có hệ thống thử nghiệm máy bơm hiện đại và đủ lớn để thử nghiệm được các loại máy bơm công suất lớn; các nhà khoa học nghiên cứu về bơm chưa hợp tác chặt chẽ để cùng nhau xây dựng ngành chế tạo bơm phát triển. Tuy vậy, nghiên cứu phân tích thực trạng ngành chế tạo bơm của các nước công nghiệp phát triển, các nước mới nổi và các nước trong khu vực có thể rút ra kết luận là, Việt nam cũng có đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành chế tạo bơm nói riêng, ngành chế tạo máy thủy khí nói chung.
Nắm bắt được thực tế trên, kỹ sư Nguyễn Trọng Nam đến từ Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương cùng đội ngũ đông đảo các kỹ sư thuộc nhiều chuyên ngành trong dây chuyền đồng bộ của công ty về chế tạo bơm đã tham gia thực hiện các nội dung của đề tài “Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu” một cách thường xuyên và khoa học.
Đánh giá về đề tài, có thể nhận thấy:
1. Đề tài đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra ban đầu: Đảm bảo thiết kế, chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm và ứng dụng vào sản xuất nhiều sản phẩm mới, trong đó, có các máy bơm công suất lớn, máy bơm đặc thù (máy bơm chìm - động cơ điện chìm công suất trên 100 kW, lưu lượng đến Q = 9.000 m3/h, chống úng ngập cho đô thị vùng ven biển, máy bơm ly tâm nhiều cấp cột áp cao đến 350 m cho dầu khí và bơm cỡ lớn công suất N = 900 kW cho khai thác mỏ, cấp nước cho sinh hoạt. Ngoài ra, đề tài đã hoàn thành việc thiết kế, gia công, chế tạo hoàn chỉnh 01 hệ thống thử bơm kiểu kín phục vụ thử xâm thực của bơm với dung tích bể kín 50 m3, có thể thử xâm thực cho bơm với lưu lượng tới 2.000 m3/h.
2. Kết quả nghiên cứu của dự án KHCN cho phép nâng cao hiệu suất máy bơm, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, giảm giá thành sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, xuất khẩu thu ngoại tệ, từng bước nâng cao vị thế của Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương trên thị trường Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
3. Dự án đã thực hiện thành công các mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực thiết kế, năng lực chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn (nhờ sự trợ giúp của các chương trình phần mềm hiện đại dùng cho công tác thiết kế, đúc và thử nghiệm các loại bơm khác nhau) của Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương; đã tự thiết kế và chế tạo được một số chủng loại bơm đặc thù, bơm công suất lớn sử dụng trong thực tế, đáp ứng nhu cầu rất lớn thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu, ngoài ra, đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chuyên ngành chế tạo bơm, góp phần vào công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, có thể kể đến những sản phẩm chính nổi bật của dự án đạt được, bao gồm:
* Dây chuyền công nghệ chế tạo bơm của Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương được hoàn thiện đồng bộ, với các thiết bị và công nghệ tiên tiến, bao gồm các khâu công nghệ: Dây chuyền chế tạo mẫu và đúc, dây chuyền gia công cơ khí và lắp ráp, hệ thống thử nghiệm bơm
* Các chương trình phần mềm: Phần mềm mô phỏng thủy lực, phân tích và thiết kế bơm; phần mềm thiết kế quá trình đúc; phần mềm quản lý hệ thống cho dây chuyền công nghệ sản xuất
* Các sản phẩm máy bơm và động cơ điện hoàn chỉnh:
+ 01 tổ máy bơm mô hình (01 bơm chìm mô hình trục ngang 15 kW (HTCN 9252,5), bơm chìm mô hình trục đứng 37 kW (HT 2.075-4,3), 01 bơm mô hình kiểu ly tâm, nhiều cấp, trục ngang 75 kW (LTC120- x )); 01 động cơ điện chìm mô hình 15 kW (KCN 15/6)), 01 tổ máy bơm mẫu bơm ly tâm cột áp cao bơm dầu thô 55kW LTC30-70x5.
+ 25 tổ máy bơm nguyên hình bao gồm: 01 máy bơm ly tâm, nhiều cấp cột áp cao, trục ngang dùng cho khai thác dầu khí, công suất 55 kW (LTC 30- x); 02 máy bơm ly tâm, nhiều cấp cột áp cao, trục ngang dùng cho khai thác mỏ, công suất 900 kW (LTC 600-60x6); 22 tổ máy bơm động cơ điện chìm trục đứng, trục ngang và trục xiên với công suất từ 55 kW đến 230 kW.
Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.