Vì sao hàng Việt Nam "đấu không lại hàng Trung Quốc?

Hàng Trung Quốc không chỉ xuất hiện rất nhiều ở Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai... mà còn "tung hoành" tại thị trường TP HCM. Trong 6 tháng đầu năm, hàng Trung Quốc chiếm 70% tổng số vụ nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý.
Bất lực với hàng giá rẻ?
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay, hàng Trung Quốc mà người tiêu dùng, doanh nghiệp đang bức xúc đa số là hàng nhập lậu tiểu ngạch, do các "hộ gia đình" Trung Quốc sản xuất chứ không phải hàng do các doanh nghiệp uy tín làm ra. "Chúng ta đang chiến đấu quyết liệt với hàng độc hại, hàng kém chất lượng. Thế nhưng, vừa qua, tôi trao đổi với một quan chức quản lý thị trường thì họ nói rằng hàng Trung Quốc ở Việt Nam nhiều đến mức không chống được, nếu bắt hôm trước, hôm sau lại tràn ngập", ông Thiên nói.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận đã chủ động nhập những mặt hàng kém chất lượng về bán dù biết hàng "có vấn đề". Cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu bị thả lỏng, nhiều khi thờ ơ, vô nguyên tắc cũng là nguyên nhân hàng giá rẻ, kém chất lượng có mặt khắp nơi. Thực tế cho thấy, hàng Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng chất lượng tốt, có uy tín nhưng lại không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu "giá rẻ". Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến hàng Trung Quốc có thể "ăn sâu, bám rễ" ở thị trường Việt Nam do các thương nhân Trung Quốc nhanh nhạy nắm bắt các chính sách của Việt Nam để vận dụng vào trong kinh doanh. "Khi Chính phủ Việt Nam đưa ra Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì doanh nghiệp Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt mũ để đưa vào Việt Nam với giá rất rẻ. Vì vậy, thị trường mũ bảo hiểm với giá trị 4 - 5 triệu USD mỗi năm đã bị doanh nghiệp Trung Quốc chiếm gần hết thị phần. Chính sách cấm xe ba gác tự chế cũng đã được các doanh nghiệp Trung Quốc "tận dụng" để sản xuất hàng loạt xe thay thế rồi bán sang Việt Nam. Những chính sách trong nước đã được các doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng tối đa, trong khi doanh nghiệp trong nước lại bỏ mất thời cơ do thiếu nhanh nhạy", ông Thiên dẫn chứng.
Đa số các doanh nghiệp đều nhận định, càng về cuối năm hàng nhập lậu từ Trung Quốc càng tăng, nhất là khi nước này đang thực hiện kích cầu nội địa và gia tăng bảo hộ. Thay vì cho người dân ở vùng biên giới qua Trung Quốc mua hàng tối đa 3.000 nhân dân tệ mỗi ngày, thì hiện nay Trung Quốc đã nâng lên 8.000 nhân dân tệ. Điều này có thể khuyến khích người dân ở biên giới đi buôn lậu.
"Đem chuông đánh xứ người"
Đẩy mạnh thương mại vùng biên giới đang là chính sách của Trung Quốc, với việc giảm thuế, trao quyền cho các địa phương vùng biên được quyết định các ưu đãi về thuế, chính sách xuất khẩu qua biên giới... "Họ khuyến khích doanh nghiệp địa phương, nhất là doanh nghiệp cấp xã sản xuất hàng bán ra bên ngoài bằng cách càng về cấp dưới thuế càng rẻ, có khi bằng 0%", ông Thiên cho biết. Tuy vậy, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc với hơn một tỷ dân là mảnh đất màu mỡ, luôn "khát hàng". Trong đó, ở một số mặt hàng then chốt, Trung Quốc cũng là thị trường trọng điểm của Việt Nam như rau quả, thủy sản, cao su, đồ gỗ, than đá...
Với kinh nghiệm nhiều năm làm ăn tại thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas (TP HCM), chia sẻ: "Trong điều kiện hàng Trung Quốc lấn sang Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể xuất hàng sang nước bạn. Đặc biệt, nếu sản phẩm nào có thể làm ở Trung Quốc rồi bán tại luôn ở thị trường này, sẽ lợi hơn". Theo ông Long, muốn trụ được ở thị trường Trung Quốc, phải kiên trì, xây dựng thương hiệu uy tín, khi đã có thương hiệu thì việc bán buôn tại đây khá dễ dàng. Công ty Bitas, sau một thời gian dài chỉ hoạt động ở vùng biên giới, hàng của họ hiện có mặt tại 12 tỉnh thành Trung Quốc. "Mặt khác, để hàng hóa Trung Quốc không thể "làm mưa làm gió" trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải biết liên kết với nhau", ông Long "mách nước".
Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm đạt 8,57 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu đạt 6,45 tỷ USD và Việt Nam xuất khẩu đạt 2,12 tỷ USD. Nhập siêu nhiều từ Trung Quốc bắt đầu tăng từ năm 2007, điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
(Theo Báo Đất Việt)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây