Theo các chuyên gia và nhà khoa học, việc Chính phủ phê duyệt chương trình nói trên sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, hướng tới một đất nước phát triển bền vững.
Thích ứng với thời đại
Theo kỹ sư Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Với vật liệu nung, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đồng thời hạn chế được các tác động bất lợi trên. Ngoài ra, việc sản xuất vật liệu không nung còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải.
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết: Từ năm 2002-2009 để sản xuất 140 tỷ viên gạch đất sét nung đã tiêu tốn 210 triệu m3 đất sét. Nếu lấy trung bình, khai thác 1m2 đất được 2m3 đất sét làm gạch thì diện tích đất canh tác đã khai thác là 105 triệu m2 bằng 10.500ha, biến đất canh tác thành ao hồ, biến ruộng bậc cao thành vùng đất trũng. Chưa hết, sản xuất gạch đất sét nung tiêu tốn lượng than lớn.
Theo tính toán để sản xuất 400 tỷ viên gạch từ nay đến 2020 phải tiêu tốn 60 triệu tấn than, riêng năm 2020 phải sử dụng 6,3 triệu tấn. Như vậy, nguồn khoáng sản không tái tạo này gần cạn kiệt. Đồng thời, các lò gạch nung, đặc biệt lò đứng thủ công thải ra bầu khí quyển một lượng lớn khói độc hại CO2, SO2 trên 220 triệu tấn trong vòng 10 năm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống sức khỏe con người, giảm năng suất cây trồng. Trong khi đó, vật liệu xây dựng không nung không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế liệu công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, xỉ của nhà máy luyện kim, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ chất thải của công nghiệp chế biến bauxite.
Theo ước tính từ 2015 đến 2020 ở nước ta thải ra từ 50 đến 60 triệu tấn các loại phế thải trên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Lượng phế thải đó đủ để sản xuất 40 tỷ viên gạch không nung mỗi năm mà không cần dùng đất sét ruộng. Ngoài ra, sản xuất vật liệu xây dựng không nung giảm tiêu tốn năng lượng 70-80% so với sản xuất gạch đất sét nung không đốt than, củi, không thải khí CO2, SO2 giảm ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả kinh tế
Bên cạnh việc giúp giảm thiểu khí thải độc hại gây ô nhiễm cho môi trường, việc sản xuất vật liệu xây dựng không nung còn đem lại hiệu quả kinh tế cao trong các công trình xây dựng. Ông Trần Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu, chia sẻ: Do loại gạch không nung có đặc tính nhẹ, bền, dễ thi công, cách âm, cách nhiệt... nên sử dụng loại vật liệu này trong các công trình xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với loại vật liệu đất sét nung. Chẳng hạn, với đặc tính nhẹ nên sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng sẽ giúp giảm tải trọng công trình, giảm chi phí làm móng đến 10%, rất phù hợp cho xây dựng nhà cao tầng. Ngoài ra, đây là loại vật liệu có độ bền, bề mặt nhẵn do đó sử dụng vữa xây, trát ít so với vật liệu đất sét nung, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng, tuổi thọ công trình cao, chịu đựng tốt với bão lũ, động đất.
Tiến sĩ Trần Hồng Mai, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng: Với vật liệu không nung dễ dàng tạo ra được sản phẩm có chất lượng về cường độ, đa dạng về kích thước, lỗ rỗng, ít cong vênh. Điều này đồng nghĩa với chủ động trong việc hạ giá thành sản phẩm để giá vật liệu này có tính cạnh tranh cao hơn gạch đất sét nung, đảm bảo cả về kỹ thuật, mỹ thuật của kết cấu, tiết kiệm được vữa xây, trát. Nó phù hợp với công nghiệp xây dựng có mức độ cơ giới hóa cao, rút ngắn thời gian xây dựng công trình khi sử dụng các loại tấm tường, gạch xây không nung có kích thước lớn, giảm chi phí xây dựng tự điều chỉnh lại thiết kế kết cấu móng, nền, hệ khung chịu lực khi sử dụng hệ gạch nhẹ nói trên...
ST