Ngày 10/6/2018, tại Quảng trường Thanh Bình (Thanh Hà), UBND tỉnh tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018. Tới dự có các đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí: Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện doanh nghiệp sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản tiêu biểu trên cả nước và đông đảo nhân dân.
Phát biểu khai mạc lễ hội Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh: Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong tam giác kinh tếHà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy đa dạng, bảo đảm thuận lợicho việc giao thương, phát triểnkinh tế. Với trên 60% diện tích đất nông nghiệp và trên 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, tỉnh Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú,chất lượng và sản lượng cao.
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu cho xuất khẩu. Theo các tài liệu cổ, vải thiều đã được trồng tại huyện Thanh Hà cách đây khoảng 200 năm, từ vùng đất Thanh Hà, vải thiều được nhân giống ra trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước, nên vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà mang hương vị đặc trưng “hương thơm, vị ngọt”. Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh khoảng 10.500 ha tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiềukhoảng 40.000 tấn), đặc biệt sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương đã triển khai tốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản. Thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ các các sản phẩm vải quả nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; nhiều hợp đồng thu mua đã được ký kết; sản phẩm vải quả và nông sản của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; ngoài việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, vải quả của tỉnh đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật…Đây là tín hiệu rất đáng mừng, một mặt khẳng định thương hiệu vải quả nổi tiếng của Hải Dương, đồng thời khẳng định trình độ kỹ thuật và năng lực sản xuất của nông dân tỉnh ta đã được nâng cao, có thể sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm của các thị trường lớn.
Tuy nhiên, cùng với việc sản xuất ra nhiều sản phẩm, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn diễn ra, đây là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nguyên nhân là do chưa tốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa và đặc biệt là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ không những đối với thị trường trong nước mà còn cả với thị trường nước ngoài.
Năm 2016, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương - Thanh Hà. Theo đó, Khu du lịch này có phạm vi quy hoạch trên 863 ha; khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm dọc 2 bên bờ sông Hương (khoảng 10 km), thuộc địa phận thị trấn Thanh Hà và các xã Tân Việt, Cẩm Chế, Liên Mạc, Thanh Xá, Thanh Thủy và Thanh Xuân. Dự kiến, đến năm 2020, Khu du lịch này phục vụ 500 nghìn du khách/năm; đến năm 2030 phục vụ 1 triệu lượt khách/năm. Dựa vào lợi thế của vùng đất Thanh Hà, một số mô hình trang trại kết hợp với du lịch sinh thái đã được đầu tư xây dựng, trở thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng. Du khách có thể tham quan, trải nghiệm, câu cá hoặc ngắm nhìn vẻ đẹp của sông Hương với những vườn cây trái dọc 2 bên sông bằng phương tiện ca nô, tàu thuỷ...Một số cơ sở khi xây dựng đã chú ý tới những điều kiện để lưu giữ du khách bằng những món ăn ngon mang đậm hương vị đồng quê…
Với tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với những sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao như vải thiều Thanh Hà, để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, trong thời gian tới tỉnh ta cần phải thực hiện đẩy mạnh sản xuất, hình thành được nhiều hơn nữa các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phải được thực hiện tốt hơn nữa cả về số lượng và chất lượng.Tỉnh Hải Dương sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa đối với các doanh nghiệp các siêu thị, chợ đầu mối, các thương lái trong nước và quốc tế đến với Hải Dương.
Phát biểu tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn trên nền tảng những giá trị lịch sử của vải thiều và gìn giữ tập quán canh tác truyền thống qua từng thời kỳ, Hải Dương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiến bộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây vải và quan tâm hơn nữa những giá trị khác quả vải. Đưa quả vải trở thành sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển du lịch sinh thái. Duy trì, mở rộng và phát triển bền vững sản phẩm đặc sản vải thiều của Hải Dương. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng của mình để đưa vải thiều vươn tầm châu lục.
Trong khuôn khổ lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng một số đại biểu đã cắt băng xuất hành 3 container vải tới khu chế biến của Công ty CP Giải pháp và Thương mại ABA tại huyện Mê Linh (Hà Nội) để xuất khẩu sang Mỹ.
Hải Ninh