Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Bắccó một số giống lúa thuần chủ lực, trong đó có Q5 và Khang dân.Nhằm xây dựng mô hình mở rộng giống lúa Sơn Lâm 2 và Bắc thơm số 7 KBL trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trong năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) đã thực hiện xây dựng mô hình mở rộng giống lúa Sơn Lâm 2 và Bắc thơm số 7 KBL trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhằm đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng khá, làm phong phú thêm bộ giống chất lượng cho tỉnh Hải Dương.
Giống lúa thường chất lượng Bắc thơm số 7 có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào nước ta từ năm 1992; giống Bắc thơm số 7 đã được Viện nghiên cứu lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chuyển gen kháng bạc lá thông qua dự án khoa học của tỉnh Hải Dương từ năm 2008-2009 và đặttên mới là giống lúa Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá.Giống lúa thuần chất lượng Bắc thơm số 7 kháng bạc lá có thời gian sinh trưởng là vụ xuân từ 125-135 ngày, vụ mùa từ 90-100 ngày, chiều cao cây 95-105 cm. Là giống sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ và chống đổ khá, chịu nóng khá, kháng bạc lá tốt, chất lượng gạo ngon, cơm thơm, dẻo và thích ứng với chân đất vàn đến vàn cao. Giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá đạt từ 255 đến 266 bông/m2, tổng số hạt/bông 136 đến 134 hạt và cho năng suất lý thuyết đạt từ 65,3 tạ/ha đến 69,2 tạ/ha. Giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá đều chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại tốt,chịu nóng, chống đổ; chống chịu sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu. Giống bắc thơm số 7 kháng bạc lá, là một trong những giống được đánh giá sản xuất có hiệu quả rõ rệt trong sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, những năm gần đây được nhân rộng ở nhiều địa phương
Giống Sơn Lâm 2được lai tạo từ tổ hợp lai LCIamusta-D82/HT1và chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ vụ mùa 2003 (LCIamusta-D82 là giống lúa được nhập nội từ IRac, giống lúa HT1 được nhập nội từ Trung Quốc), đây là giống lúa triển vọng và đã được Hội đồng công nhận giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử. Giống Sơn Lâm 2 có thời gian sinh trưởng từ 105 - 107 ngày (vụ mùa), vụ xuân muộn từ132 - 135 ngày, chiều cao cây từ110 - 115 cm, dạng hình cây gọn, dạng hạt trung bình, vỏ trấu màu vàng đậm, khả năng chịu hạn đồng ruộng khá, khả năng chống chịu sâu bệnh khá.Sơn Lâm 2 có thời gian sinh trưởng từ 132 - 138 ngày(trong vụ xuân), từ 103 - 105 ngày(vụ mùa),chiều cao câytừ110 -115cm. Giống có khả năng sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh trung bình và tập trung, lá màu xanh, lá đòng đứng cứng, hạt có màu vàng sẫm. Khối lượng 1000 hạt từ 24 - 25gram, hạt gạo trung bình, tỷ lệ gạo nguyên caođạt93,8%, hạt gạo trắng trong, phẩm chất gạo ngon, cơm mềm, đậm, hàm lượng Protein cao 9,2%, có mùi thơm nhẹ. Giống Sơn Lâm 2 có khả năng chống đổ tốt, ít nhiễm đạo ôn, bạc lá và rầy nâu. Năng suất thực thu trung bình trong vụ xuân từ 60-65 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha, vụ mùa đạt từ 58-62 tạ/ha. Đặc biệt, trên chân đất bấp bệnh về nước, Sơn Lâm 2có khả năng chịu hạn khá, cho năng suất cao Khang dân 18, đạt từ 55 - 60 tạ/ha.
Trong 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) đã triển khai thuộc 4 xã của 4 huyện gồm xã Lê Hồng (huyện Thanh Miện), xã Nam Tân (huyện Nam Sách), xã Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ), xã Hồng Khê (huyện Bình Giang) với quy mô 200 ha, trong đó giống lúa Sơn Lâm 2 là 60 ha, giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá 140 ha. Quy mô vụ xuân 90 ha và vụ mùa 110 ha. Để người dân tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình củanhà chọn tạo đã được hoàn thiện phù hợp với điều kiện canh tác tại Hải Dương, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, cấp phát quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tại 4 xã tham gia mô hình với hơn 300 lượt hộ nông dân tham gia mô hình.Kết quả cán bộ cơ sở, người dân nắm vững quy trình sản xuất của 2 giống lúa và nắm bắt được những yêu cầu của sản xuất tập trung, hiệu quả của sản xuất tập trung.
Trong điều kiện thời tiết vụ mùa 2016 rất dễ nhiễm bệnh bạc lá (nhiễm khuẩn) cho thấy khả năng đẻ nhánh của các giống lúa thuần Bắc thơm số 7 KBL, Sơn Lâm 2 và Bắc thơm số 7 (đối chứng) trung bình, có thời gian sinh trưởng tương đương nhau. Trong các điểm triển khai thì giống lúa Bắc thơm số 7 KBL không bị nhiễm bệnh bạc lá (nhiễm khuẩn), xuất hiện nhẹ trên giống lúa Sơn Lâm 2 và xuất hiện trên giống lúa Bắc thơm số 7 mạnh và nhiều điểm bị hại nặng khi bón phân không cân đối. Bệnh khô vằn xuất hiện trên giống Sơn Lâm 2 tại 2 xã Dân Chủ và Nam Tân.Do mật độ sâu cuốn lá thấp và kết hợp với công tác dự tính dự báo, chỉ đạo phun thuốc phòng trừ kịp thời nên sâu cuốn lá hại ít hoặc không thấy xuất hiện.Tuy nhiên, giai đoạn lúa trỗ, các lứa sâu đục thân gối nhau, thời tiết mưa kéo dài, một số hộ gia đình đã phun thuốc nhưng chưa được đúng lúc nên lúa vẫn bị sâu đục thân gây hại ở mức nhẹ, trên cả 3 giống lúa.
Giống lúa Sơn Lâm 2 tuy có chiều cao cây cao hơn hẳn Bắc thơm 7 KBL và Bắc thơm 7 nhưng cứng cây, chống đổ tốt nên khả năng chống đổ tương đương BT7 trong mô hình.Sản xuất tập trung đồng bộ về giống, thời vụ, diện tích và các biện pháp canh tác có tác dụng rất lớn trong quản lý sản xuất như: làm đất, tưới tiêu và nhất là hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại. Đặc biệt tạo thành khu sản xuất hàng hóa thuận tiện trong việc thu mua sản phẩm như giống lúa Sơn Lâm 2. Giống lúa Sơn Lâm 2 và Bắc thơm số 7 KBL là những giống dễ thâm canh, đặc biệt giống Sơn Lâm 2 gieo cấy được trên các chân đất khác nhau.
Vụ mùa 2016 điều kiện thời tiết dẫn tới bệnh bạc lá (nhiễm khuẩn) nặng đặc biệt các giống lúa Bắc thơm số 7 nên đã làm ảnh hưởng tới bộ lá và làm giảm năng suất của giống. Năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của giống lúa thuần Sơn Lâm 2 cao nhất tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách đạt từ 62,64 - 63,92 tạ/ha; giống lúa Bắc thơm số 7 KBL cao nhất tại xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện đạt 52,93 tạ/ha (tương đương 1,9 tạ/sào) trong khi bắc thơm số 7 chỉ đạt 47,99 tạ/ha (tương đương 1,7 tạ/sào).
Từ kết quả triển khai các mô hình bước đầu cho hiệu quả qua đó khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục lựa chọn được giống Sơn Lâm 2 năng suất, chất lượng thực hiện nhân rộng trên địa bàn tỉnh và bước đầu kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hải Ninh