Sau 12 năm thực hiện chương trình “nạc hoá” đàn lợn, nhưng các cơ sở sản xuất giống lợn của tỉnh vẫn chưa được đánh giá đầy đủ được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đàn lợn giống bố mẹ nhằm cung cấp lợn thương phẩm ra thị trường. Việc bổ sung thêm thêm các giống lợn nái cao sản, có năng suất chất lượng cao để sản xuất lợn thương phẩm chủ động cung cấp giống cho người chăn nuôi tỉnh nhà càng trở nên quan trọng. Lợn nái bố mẹ VCN21; VCN 22 là sản phẩm đạt giải thưởng bông lúa vàng lần thứ nhất năm 2012 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi đây là giống tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất rộng rãi trên cả nước (Quyết định số 3205/QĐ-BNN-CN ngày 17/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Được sự cho phép của UBND tỉnh, trong 2 năm 2014 và 2015 Thạc sỹ Nguyễn Thị Hảo, phó trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT nuôi lợn nái dòng VCN21, VCN22 tăng năng suất và chất lượng thịt trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Nhằm đưa giống lợn nái mới có triển vọng bổ sung vào cơ cấu đàn lợn nái giống có chất lượng cao của tỉnh khắc phục tình trạng đàn lợn nái lai tạp ảnh hưởng đến năng suất sinh sản và chất lượng lợn thương phẩm hiện nay, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Để người dân tham gia đề tài thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn nái ngoại và lợn thịt thương phẩm cho 50 hộ nông dân tham gia đề tài, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, cán bộ thú y cơ sở và cán bộ kỹ thuật. Tài liệu bao gồm quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho lợn nái ngoại dòng VCN21, VCN22 và lợn thương phẩm sinh ra từ hai dòng lợn nái trên với lợn đực giống Pi4. Thông qua lớp tập huấn người chăn nuôi nắm được và hiểu rõ thêm về một loại giống lợn nái mới VCN21, VCN22 có năng suất cao, chất lượng con lai thương phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lợn nái bố mẹ VCN21; VCN 22 có năng suất sinh sản của hai dòng lợn nái VCN21, VCN22 đều đạt kết quả tương đối tốt, ổn định qua 3 lứa theo dõi. Cụ thể: Tuổi động dục lần đầu của lợn cái hậu bị dòng VCN21 là 230,6 ngày; dòng VCN22 là 228,3 ngày. Tuổi phối giống lần đầu lần lượt là 254,9 và 251,7 ngày. Tuổi đẻ lứa đầu của dòng VCN22 là 366,6 ngày sớm hơn dòng VCN21 là 369,2 ngày. Khoảng cách lứa đẻ đã rút ngắn còn 150 ngày ở VCN21 và 150,67 ngày ở VCN22.Số con sơ sinh/ổ đạt 11,4 con ở VCN21 và 11,98 con ở VCN22.Số con cai sữa/ổ đạt 9,45 con ở VCN21 và 10,07 con ở VCN22.Khối lượng sơ sinh/con đạt 1,54 kg ở VCN21 và 1,48 kg ở VCN22.Khối lượng cai sữa/con đạt 7,62 kg ở VCN21 và 7,07 kg ở VCN22.Tỷ lệ nuôi sống đạt 92,43 % ở VCN21 và 94 % ở VCN22.
Kết quả về tiêu tốn thức ăn và tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi. Tiêu tốn thức ăn/kg lợn con cai sữa của dòng VCN21 là 5,47 kg; giai đoạn từ cai sữa đến 60 ngày tuổi là 1,36kg; dòng VCN22 là 5,74kg; giai đoạn từ cai sữa đến 60 ngày tuổi là 1,38kg.Tăng khối lượng lợn con giai đoạn cai sữa là 260,42; giai đoạn 60 ngày tuổi 293,95 g/con/ngày ở dòng VCN21 và tương ứng ở dòng VCN22 là 235,96 và 280,90 g/con/ngày. Tốc độ sinh trưởng, phát triển của con lai thương phẩm. Ở con thương phẩm 4 máu đạt tốc độ sinh trưởng 787,04 g/ngày và đạt khối lượng 95,08 kg ở 157,73 ngày. Con thương phẩm 5 máu đạt tốc độ sinh trưởng 765,79 g/ngày và đạt khối lượng 93,19 kg ở 158,96 ngày. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng của con thương phẩm 4 máu: 2,64 kg; con thương phẩm 5 máu 2,78 kg.Năng suất và chất lượng thân thịt: Tỷ lệ móc hàm đạt 79,72 % ở con thương phẩm 4 máu; 78,72 % ở con thương phẩm 5 máu.Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70,26 % ở con thương phẩm 4 máu và 68,33 % ở con thương phẩm 5 máu.Tỷ lệ nạc đạt 57,21 % ở con thương phẩm 4 máu và 56,55 % ở con thương phẩm 5 máu.Diện tích cơ thăn đạt 53,18 cm2 ở con thương phẩm 4 máu và 52,81 cm2 ở con thương phẩm 5 máu.Độ dày mỡ lưng 21,51 mm ở con thương phẩm 4 máu và 22,86 mm ở con thương phẩm 5 máu.Lợn nái sinh sản dòng VCN21, VCN22 do Viện chăn nuôi tạo ra là giống lợn ngoại tiến bộ kỹ thuật, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp nhận hai giống trên lần đầu tiên được nuôi tại Hải Dương trong hai năm qua dưới dạng mô hình tại 6 trang trại là phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng con giống, đa dạng cơ cấu giống lợn nái ngoại của tỉnh. Các chủ hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có đủ điều kiện để tiếp nhận và đưa vào nuôi có hiệu quả theo đúng quy trình chăn nuôi của Trung tâm Nghiên cứu giống lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi). Lợn thương phẩm được tạo ra từ hai dòng nái VCN21, VCN22 với đực giống Pi4 là lợn lai 4;5 máu ngoại đã thể hiện được ưu thế lai khi tính bình quân cho 1 kg lợn thịt hơi có giá thành đều thấp hơn các giống lợn thương phẩm có công thức lai khác trong cùng một trang trại.
Đề tài đưa 2 dòng lợn nái VCN21, VCN22 hiện chưa được nuôi trên địa bàn tỉnh vào nuôi áp dụng để tăng cơ cấu đàn lợn nái ngoại của tỉnh, tạo ra đàn lợn thương phẩm có năng suất, chất lượng thịt cao là cần thiết để cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch có chất lượng cao cho thị trường nói chung và người tiêu dùng nói riêng. Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người chăn nuôi, giúp ổn định và phát triển xã hội. Thông qua việc đưa con nái cao sản vào để tạo công thức lai nhiều máu ngoại, tăng năng suất vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của thịt lợn hàng hóa trên thị trường.
Hải Ninh