Để kịp thời giải quyết vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng và xử lý tấm quang điện mặt trời sau khi đã hết thời gian sử dụng nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng vào thị trường Việt Nam và đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, an toàn môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển ồ ạt điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu đối với hạ tầng chất lượng tấm quang điện mặt trời.
Tiêu chuẩn hóa về tấm quang điện mặt trời tại Việt Nam
Tính đến hết năm 2020, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có khoảng 40 TCVN liên quan đến điện mặt trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN này phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận. Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo.Trong số các tiêu chuẩn này, có hai bộ tiêu chuẩn TCVN 12232, An toàn của môđun quang điện (PV) và TCVN 6781, Môđun quang điện (PV) mặt đất – Chất lượng thiết kế và phê duyệt kiểu liên quan đến an toàn điện và đánh giá chất lượng thiết kế của tấm quang điện mặt trời.
Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN này được xây dựng trên cơ sở chấp nhận bộ tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730 và IEC 61215, tương ứng. Hai bộ tiêu chuẩn IEC này được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng để đánh giá an toàn và chất lượng tấm quang điện mặt trời trước khi đưa vào lắp đặt.
Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức thử nghiệm và chứng nhận ở Việt Nam chưa có đủ năng lực thử nghiệm và chứng nhận các tấm quang điện theo các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, bên cạnh các tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố nêu trên, vẫn cần thiết phải bổ sung thêm các tiêu chuẩn để đánh giá độ suy giảm chất lượng tấm quang điện theo thời gian sử dụng và đánh giá hiệu suất của tấm quang điện, đồng thời cần nâng cao năng lực thử nghiệm, chứng nhận, đo lường để đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường.
Phát triển hạ tầng chất lượng tấm quang điện mặt trời ở Việt Nam
Để kịp thời giải quyết vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng và xử lý tấm quang điện mặt trời sau khi đã hết thời gian sử dụng nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng vào thị trường Việt Nam và đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, an toàn môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển ồ ạt điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam thì cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu đối với hạ tầng chất lượng tấm quang điện mặt trời.Trong phạm vi nghiên cứu, hạ tầng chất lượng bao gồm các lĩnh vực: tiêu chuẩn, thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp và đo lường. Việc nghiên cứu cần đáp ứng các mục tiêu: đề xuất các biện pháp quản lý chất lượng, an toàn và môi trường đối với tấm quang điện mặt trời; xây dựng danh mục các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và lộ trình thực hiện nhằm phục vụ quản lý chất lượng, an toàn và môi trường cũng như các tiêu chuẩn phục vụ hoạt động xử lý sau vòng đời của tấm quang điện mặt trời và xây dựng một số TCVN trong danh mục theo lộ trình; nâng cao năng lực phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận để đáp ứng các yêu cầu;
Xây dựng, đào tạo đội ngũ các chuyên gia về thử nghiệm, chứng nhận, hiệu chuẩn, kiểm định liên quan đến tấm quang điện mặt trời; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về hệ thống văn bản và tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, tổ chức đánh giá sự phù hợp về tấm quang điện mặt trời và các CSDL khác liên quan nhằm tạo thuận lợi để các nhà quản lý và nhà sản xuất, nhập khẩu, thử nghiệm chứng nhận có thể khai thác thông tin.
Nguồn: theo http://tcvn.gov.vn