Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh...
Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng... Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích...
Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.
Theo NLĐ