Sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao từ rác thải sinh hoạt

Hiện nay, tại TP.HCM mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt thải ra từ 5.000 - 6.000 tấn và hơn 2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp. Rác thải sinh hoạt thường gồm 3 loại: chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học chiếm khoảng 40 - 50%, chất hữu cơ khó phân hủy và chất vô cơ. Chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (PHSH) là thành phần gây ô nhiễm nhất trong rác thải và sinh ra mùi hôi thối. Vì thế hiện nay trên thế giới, phương pháp có hiệu quả nhất xử lý chất hữu cơ dễ PHSH là ủ thành compost để vừa giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường vừa tạo ra một lượng lớn phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ nông nghiệp.
Sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao từ rác thải sinh hoạt
GS.TS. Trần Kim Qui, Viện công nghệ hóa sinh ứng dụng vừa nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác sinh hoạt sau phân loại để sản xuất phân hữu cơ sinh học chất lượng cao.
Hiện nay, có 2 phương pháp ủ rác phổ biến là ủ yếm khí và ủ háo khí. Với cách ủ yếm khí, rác được phân giải trong môi trường không khí O2, vi sinh vật yếm khí phân giải rác sinh ra các chất như metan, acid hữu cơ, hydrogen sulfur và một số hợp chất khác có mùi hôi thối rất nặng. Quá trình phân giải rác yếm khí không làm tăng nhiệt độ nên trong rác vẫn còn nhiều vi sinh vật gây bệnh, trứng giun sán và hạt cỏ. Cách ủ này thường kéo dài khoảng 70 - 80 ngày và khi kết thúc quá trình ủ, rác vẫn chưa hoai. Với cách ủ háo khí, O2 được cung cấp đầy đủ vào đống rác để vi sinh vật háo khí phân giải rác ủ sinh ra CO2, NH3, H2O và chất mùn. Sự phân giải háo khí phát nhiệt, nhiệt lượng sinh ra làm tăng vận tốc phân giải các enzym nên rút ngắn thời gian ủ còn khoảng 20 - 25 ngày.
Một số chủng vi sinh vật có khả năng khử mùi hôi thối của các hợp chất sulfur và NH3 thuộc các giống Lactobacillus spp và Thiobacillus spp đã được GS. Kim Qui dùng để điều chế ra chế phẩm OCM (pha OCM 1% trong nước, phun sương vào rác) dùng để khử mùi hôi thối của rác thải sinh hoạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kích thước rác thải thích hợp nhất để ủ vào khoảng 8 - 12 mm. Dùng chế phẩm giàu N điều chế từ chất thải lò mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến thủy - hải sản, cơ sở tinh luyện dầu béo phối trộn vào rác hữu cơ dễ PHSH để điều chỉnh tỷ số C/N còn trong khoảng 30 - 35 giúp vi sinh vật hoạt động mạnh và phân giải rác tốt hơn. Sau đó trộn 0,15% chế phẩm vi sinh vật phân giải (CDM) và đưa qua khâu ủ rác trong các bể ủ.
Thành công của nghiên cứu này đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp của thành phố và góp phần giải quyết nạn ô nhiễm môi trường. Bằng cách điều chỉnh tỷ số C/N và dùng chế phẩm vi sinh vật phân giải CDM đã rút ngắn thời gian ủ háo khí còn 20 ngày, ngang với thời gian ủ ngắn nhất của các nước phát triển trên thế giới. Ngoài ra, các thiết bị được chế tạo hoàn toàn trong nước với giá rẻ, phân hữu cơ sinh học được chế tạo ra có chất lượng cao, giá thành hạ chỉ bằng khoảng 40 - 50% giá bán các loại phân hữu cơ cùng chất lượng trên thị trường.
(Theokhoahocphothong)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây