Sau một tháng tỉ mẩn nghiên cứu, tháo ra lắp vào, với nhiều lần thử nghiệm, chiếc máy tách vỏ cà phê bằng tay quây đầu tiên được hoàn thiện. Nhưng khi hoạt động thử, ông phát hiện nhược điểm là hạt cà phê theo vỏ ra ngoài nhiều và bị dập nát. Do cây đinh trong vòng xoắn dài quá nên dẫn đến tình trạng trên. Sau khi điều chỉnh, chiếc máy tách vỏ cà phê của ông Tỵ đã thành công.
Thấy gia đình ông có máy tách vỏ cà phê rất tiện lợi, nhiều gia đình ở Xuân Trường đã tới đặt làm. Kể từ đó ông Tỵ chuyển hẳn sang nghề sản xuất máy tách vỏ hạt cà phê, cung ứng cho người dân trong xã lên tới vài chục máy. Một buổi đi hái cà phê trong rẫy, thấy dòng nước suối chảy róc rách dưới chân đồi, ông Tỵ liền nghĩ ra cách lợi dụng lực nước để thay sức người quay trục máy tách vỏ cà phê. Về nhà ông Tỵ rèn thêm một bộ cánh quạt gắn vào trục gỗ để sức nước chảy qua trục gỗ tự động quay, không cần sự can thiệp của con người lại có thể tách vỏ cà phê ngay tại rẫy.
Sau khi có máy nổ, rồi có điện, máy tách vỏ cà phê nhanh chóng được ông Tỵ cải tiến, nâng cấp. Tất cả các bộ phận đều được ông chuyển sang thay thế bằng sắt, thép để chịu được sức rung đập khi chạy bằng điện. Máy gồm một thùng trên cùng dùng để đựng quả cà phê. Sau khi mô tơ chạy sẽ kéo trục sắt quay cà phê trong thùng tự chảy xuống cọ xát làm dập quả. Sau đó đẩy ra ngoài sàng làm nhân lọt xuống phía dưới, vỏ theo một lối khác ra ngoài.
Thấy máy tách cà phê của ông Tỵ sáng chế rất hữu ích, nhiều gia đình trồng cà phê ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Dinh Linh... nườm nượp tìm đến đặt hàng. Đến nay ông Tỵ đã sản xuất trên 2.000 máy tách cà phê bán cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Tâm, PGĐ Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết: "Chúng tôi có nghe nhiều người nói ông Trương Diên Tỵ chính là tác giả của chiếc máy tách vỏ cà phê. Tuy nhiên ông Tỵ không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là điều đáng tiếc".
Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường cũng là khách hàng của ông Tỵ cho biết: "Ngày nay đã nhiều người có thể sản xuất được máy tách vỏ cà phê nhưng máy do ông Tỵ sản xuất lượng hạt sót theo vỏ rất ít và không bị dập". Nói về vấn đề bản quyền, nhà sáng chế Trương Diên Tỵ chỉ cười hóm hỉnh: "Mình làm ra chẳng qua là giúp cho gia đình và nông dân bớt khổ trong sản xuất chứ có chủ trương thành nhà sáng chế gì đâu".
Nguồn: Báo Nông nghiệp