Chế tạo thành công tàu hút bùn và cát đa địa chất

Tàu hút bùn. Ảnh minh họa. (Nguồn: giadinh.net.vn) Tàu cuốc hút bùn, cát đa địa chất là sản phẩm do Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Đại Nam (Ninh Bình) Phạm Anh Công và kỹ sư Phạm Mạnh Cường chế tạo, khi đưa vào sử dụng đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.
Chế tạo thành công tàu hút bùn và cát đa địa chất
Sáng tạo từ thực tiễn
Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Đại Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực thi công các công trình nạo vét sông ngòi, cầu cảng, san lấp mặt bằng nên nhu cầu sử dụng các loại tàu cuốc để hút bùn, cát là rất lớn.
Năm 2003, khi nhận gói thầu cung cấp cát san nền đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Công ty gặp phải khó khăn khi chỗ thi công không có đường cho xe ôtô trọng tải lớn chở cát vào.
Giám đốc Phạm Anh Công và kỹ sư Phạm Mạnh Cường đã đề xuất với Ban quản lý giải pháp thay thế việc dùng ôtô vận chuyển cát, bằng cách dùng tàu cuốc hút cát từ sông Đáy đẩy vào khu vực nền đường.
Tuy vậy, các loại tàu cuốc hiện có trên thị trường do nước ngoài sản xuất tỏ ra không phù hợp khi máy bơm hút có hiệu suất kém, chỉ hút được bùn hoặc cát, không hút được đá và sỏi, khả năng đẩy ngắn, chỉ từ 300-500m so với yêu cầu là 2.000m. Bên cạnh đó, máy bơm bị mài mòn nhanh, dễ vỡ khi hút phải gạch đá và chi phí để thay thế rất tốn kém.
Sau khi xác định nguyên nhân hút, đẩy cát kém là do tốc độ vòng quay cánh quạt chậm, không ổn định, Giám đốc Phạm Anh Công và kỹ sư Phạm Mạnh Cường đã cải tiến máy bơm bằng cách thu nhỏ buồng áp để tăng áp suất đẩy, hút và tăng số lượng cánh quạt từ 4 lên 6 cánh. Hai anh đã cắt những lốp xe cũ bọc mặt trong của bơm để giảm sự mài mòn, không bị vỡ khi hút phải gạch đá và chi phí thay thế thấp. Từ đó máy bơm hoạt động có hiệu quả hơn rất nhiều, tăng khả năng hút, đẩy từ 500m lên đến 2.000m, đáp ứng yêu cầu đưa cát đến tận công trình.
Thành công trong chế tạo máy bơm cát đã tiếp thêm động lực, thúc đẩy hai anh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về công nghệ tàu cuốc, bởi hạn chế lớn nhất của tàu cuốc do nước ngoài sản xuất là mỗi chủng loại chỉ hoạt động được ở một dạng địa chất nhất định.
Xuất phát từ thực tế đó, các anh đã trăn trở, suy nghĩ làm sao để chỉ cần 1 tàu cuốc là có thể hoạt động đa địa chất mà không phải mua nhiều loại tàu khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, Giám đốc Phạm Anh Công và kỹ sư Phạm Mạnh Cường đã tìm ra giải pháp là chế tạo loại lưỡi xén có thể thay thế được, đồng thời thiết kế nhiều loại lưỡi khác, gắn chế độ làm việc với hộp số 5 cấp để phù hợp với từng loại địa chất. Đây là một điểm đặc biệt từ trước đến nay chưa hề có trên loại tàu cuốc nào, kể cả tàu do nước ngoài sản xuất.
Thành công ngoài mong đợi
Mất hơn 6 năm nghiên cứu, thử nghiệm kể từ khi cải tiến máy bơm và hệ thống lưỡi xén, năm 2010 Công ty mới sản xuất được tàu cuốc, hút bùn cát đa địa chất Đại Nam có nhiều tính năng ưu việt, phù hợp với thực tế sông ngòi Việt Nam.
Tàu có chiều dài hơn 17m, chiều rộng gần 4m, cao 1m, được chia làm 3 khoang, gắn hệ thống máy bơm, hút bùn, cát và lưỡi xén với hộp số 5 cấp, công suất hút đạt 200m3/giờ, cao hơn nhiều lần so với tàu cuốc nhập ngoại, chi phí thay thế phụ tùng thấp, số nhân công vận hành giảm từ 5 người xuống 2 người. Anh Công cho biết, vốn ban đầu để đóng mới tàu chỉ khoảng 4,6 tỷ đồng, như vậy đã tiết kiệm gần 3 tỷ đồng cho doanh nghiệp nếu phải mua tàu do nước ngoài sản xuất.
Với những ưu điểm sau khi cải tiến, thiết kế mới tàu cuốc hút bùn cát đa địa chất Đại Nam đã được nhiều đơn vị biết đến, ký hợp đồng với công ty để thi công các công trình, dự án lớn như san lấp nền Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Kỳ Anh-Hà Tĩnh, Cửa Việt-Quảng Trị và Dự án hút cát sông Thạch Hãn.
Cùng với việc thi công các công trình, Công ty cũng đã nhận được nhiều hợp đồng sản xuất tàu cuốc đa địa chất. T ừ tháng 7/2010 đến nay, đơn vị đã hoàn thành, bàn giao 5 tàu công suất từ 200-350m 3 và đang nhận làm mới 4 tàu khác cho khách hàng.
Thành công trong chế tạo tàu cuốc, hút bùn cát đa địa chất Đại Nam đã mang về cho Giám đốc Phạm Anh Công và kỹ sư Phạm Mạnh Cường giải Nhì toàn quốc về Sáng tạo Khoa học-Công nghệ Việt Nam 2010, được Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen.
"Trong thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp với các chuyên gia về tự động hóa đưa các công nghệ camera soi luồng, hệ thống điều khiển tự động vào tàu Đại Nam để có thể đáp ứng được mọi yêu cầu về kỹ thuật. Tôi tin rằng với những cải tiến mới, tàu cuốc, hút bùn, cát đa địa chất Đại Nam hoàn toàn có thể thâm nhập vào thị trường các nước trong khu vực," Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Đại Nam Phạm Anh Công khẳng định./.
(TTXVN/Vietnam+)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây