Sơ đồ mô tả quy trình xử lý môi trường và tận dụng khí biogas Cụ thể, với trên 19,3 tỷ kg chất thải từ khoảng 16,5 triệu con lợn mỗi năm, Việt Nam hiện phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong quản lý chất thải chăn nuôi. Có khoảng 55% trang trại nuôi lợn trên cả nước tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, trong đó phần lớn các chất thải chăn nuôi không được sử dụng mà được thải ra môi trường.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Mô hình kinh doanh và giải pháp tái sử dụng chất thải nông nghiệp tại Việt Nam" diễn ra hôm ngày 22-5, tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu y tế cộng đồng và sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Cộng đồng (HSPH) tổ chức.
Tại hội thảo, ông Krishna Rao, Viện Quản lý nước quốc tế của Thụy Điển, chia sẻ: Ở Việt Nam nông nghiệp chiếm hơn 20% GDP. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông nghiệp có nhiều khối lượng chất thải hằng ngày gây nguy hại đối với sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Các chất thải nông nghiệp rửa trôi các khoáng chất và ô nhiễm nước ngầm; rối loạn chức năng hệ sinh thái và làm mất đa dạng sinh học.
Tại hội thảo, thông tin về một số mô hình kinh doanh dựa trên việc tái sử dụng chất thải chăn nuôi đã được trình bày. Nếu được áp dụng, những mô hình này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều đơn vị ở các quy mô khác nhau.
Điển hình nhất trong chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi có thể sử dụng chất thải của lợn để sản xuất năng lượng hoặc phân hữu cơ. Hiện ngay với mô hình chăn nuôi theo trang trại ở Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng gas sinh học (biogas) ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam còn hết sức hạn chế (khu vực miền Bắc ở mức 58,5%, miền Trung 41,9% và miền Nam là 53,5%). Việc tự tái sử dụng sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Ngoài ra, có thể bán nguồn năng lượng này để tăng doanh thu phụ. Tái sử dụng hiệu quả chất thải nông nghiệp sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững cả về môi trường và kinh tế.
Nhóm nghiên cứu "Thu hồi và tái sử dụng nguồn thải RRR" thuộc IWMI, sau khi phân tích hơn 150 trường hợp kinh doanh tái sử dụng, bao gồm châu Phi, Đông Á, Nam Á và Nam Mỹ, đã phát triển trên 20 mô hình kinh doanh phục hồi và tái sử dụng nước, chất dinh dưỡng và chất hữu cơ từ chất thải nông nghiệp thành các sản phẩm giá trị gia tăng như nước sạch, phân bón và năng lượng.
Thông qua dự án "Tái phục hồi chất dinh dưỡng, nước và năng lượng an toàn" do Quĩ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ, nhóm nghiên cứu RRR đã tập trung vào một số quốc gia bao gồm Ghana, Uganda, Bangladesh và Việt Nam.
ĐỖ HƯƠNG (Chinhphu)