Chất lượng Việt Nam bình chọn 10 sự kiện Chính trị - Xã hội tiêu biểu nhất năm 2013:
1. Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, lần đầu bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao
Ngày 28/11, với 486/488 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội (hai đại biểu không biểu quyết, không đại biểu nào không tán thành), Quốc hội đã thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi).
Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới, như tại điều 4, ngoài các nội dung về bản chất của Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản VN “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp (sửa đổi) đã bổ sung quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tại điều 6, bổ sung quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp...
Trước đó, ngày 11/6, Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, các Hội đồng nhân dân các cấp cũng bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo địa phương mình.
2. Kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiên tai và “nhân tai” gây nhiều hậu quả
Dù Chính phủ được Quốc hội đồng ý nâng trần bội chi từ 4,8 – 5,3%, nhưng nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đầu năm đạt khoảng 85% dự toán, CPI năm 2013 thấp hơn 2012.
Tuy nhiên, trong khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Lạm phát 11 tháng tăng 5,5%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua. Lãi suất ngân hàng từng bước “hạ nhiệt”. Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhưng năm 2013, Việt Nam cũng hứng thiệt hại lớn từ thiên tai (bão lũ, triều cường…) và nhân tai (thủy điện xả lũ, tham nhũng…)
3. Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, doanh nghiệp FDI chuyển giá
Từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị định 24, đấu thầu vàng…đã không có những cơn sốt trên thị trường, không có hiện tượng đầu cơ và tỷ giá vẫn ổn định. Theo cơ quan này, khoản chênh lệch có được qua các phiên đấu thầu là nguồn thu của ngân sách nhà nước, vì vậy sẽ phải chuyển về ngân sách theo đúng quy định.
Năm 2013 cũng chứng kiến nhiều công ty “đại gia” nước ngoài báo lỗ nhưng thực tế kinh doanh lại mở rộng, báo hiệu vấn đề chuyển giá cần phải được các cơ quan thuế quan tâm, “siết” chặt, tránh thất thu.
Năm 2013, công ty Nicotex ở Thanh Hóa đã khiến người dân cả nước bất bình với hành động phi nhân tính là chôn chất độc dưới đất. Đơn vị này đã và đang hoàn thành các nghĩa vụ trước pháp luật và người dân xung quanh.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Đại tướng qua đời vào 18h09 phút chiều 4/10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, hưởng thọ 103 tuổi. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, "người anh Cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam.
Khi ông mất, hàng vạn người đã đến nhà viếng và đưa tiễn ông từ Hà Nội đến tận Núi Chùa (Quảng Bình).
5. Liên tiếp sự cố trong ngành y tế
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng, “nhân bản xét nghiệm” ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), liên tiếp các vụ tai biến dẫn đến tử vong khi các cháu nhỏ tiêm vắc xin…đã khiến dư luận bức xúc trước chất lượng phục vụ của ngành y.
Bộ Y tế sau những lời hứa và hô hào đã lập các đường dây nóng, tăng cường y đức…để hy vọng cải thiện tình hình.
6. “Chạy” công chức, “phình” biên chế
Phát ngôn về “chạy” công chức ở Hà Nội ở cuối năm 2012 nhưng vẫn đủ sức làm “nóng” cả năm 2013, với áp lực của dư luận lên tầng lớp “công bộc của dân”, nhất là khi có số “30% công chức sáng cắp cặp đi, chiều cắp ô về” được đưa ra.
Tháng 12/2013, Hà Nội lại tách Từ Liêm thành 2 quận, khiến nguy cơ “phình” bộ máy hành chính tăng lên; trong khi Bộ Nội vụ vẫn khẳng định sẽ không tăng biên chế Nhà nước.
Người dân năm qua cũng rất bức xúc trước lương “khủng” của một số lãnh đạo công ty công ích ở TP HCM được công bố. Nhưng ngay sau đó, những người này đã bị kỷ luật và điều chỉnh lương.
7. Từ “điểm trừ” Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đến “điểm cộng” Đề án đổi mới Giáo dục
Nếu như việc “Cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” của Bộ GD-ĐT đã phải rút lại vì phản cảm và thiếu thực tế thì bản Đề án đổi mới Giáo dục lại tạo được đồng thuận và hy vọng của người dân.
Dù kết quả thi PISA có cao nhưng chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo, nạn thất nghiệp…vẫn đặt ra cho ngành “trồng người” những bài toán nan giải.
8. Tranh cãi về việc có nên giải cứu bất động sản
TS Alan Phan nêu ý kiến muốn Nhà nước để mặc các doanh nghiệp bất động sản trong khó khăn, để giá nhà ở không bị “làm giá”. Tuy nhiên, gói tín dụng 30.000 tỷ đã được tung ra. Nhưng hiệu quả và tính minh bạch vẫn cần thời gian đánh giá.
9. Phát hiện nhiều nhà ngoại cảm “dởm”, loại “hòn đá lạ” khỏi đền Hùng
“Cậu Thủy” và một số nhà ngoại cảm “dởm” khác đã bị báo chí phanh phui và cơ quan chức năng bắt giữ trong năm qua đã cho thấy, niềm tin của nhiều người dân đã bị lợi dụng.
“Hòn đá lạ” ở đền Hùng làm dư luận xôn xao cũng bị phát hiện và loại khỏi nơi tôn nghiêm này…
Tuy nhiên, qua những vấn đề trên, nhiều người dân đã hiểu hơn giá trị của khoa học thực chứng, bớt tin vào chuyện hoang đường, coi trọng những kết quả, xét nghiệm…khoa học.
10. Lo ngại kinh phí tổ chức ASIAD 18
Con số 15.000 tỷ đồng chắc chắn vẫn chưa thỏa mãn nguyện vọng của ngành Thể thao để chuẩn bị cho ASIAD 18 tổ chức năm 2019 tại Việt Nam.
Vấn đề tiết kiệm chi tiêu, minh bạch trong đầu tư phải được coi trọng và áp dụng cho tất cả các ngành, nhất là khi kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.
Theo VietQ.vn