Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Nguyễn Quân Lần đầu tiên Bộ KHCN phát động phong trào đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu. Thậm chí, một Quỹ hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo dành cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp đã được triển khai với quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã trao đổi các vấn đề liên quan trong chương trình: "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 14/2.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN hỏi: Trước nay chúng ta ưu tiên doanh nghiệp công nghệ bằng việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ khuyến khích nhập khẩu công nghệ, chưa khuyến khích phát minh công nghệ. Theo tôi Nhà nước cần có chương trình miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà sáng chế, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp liên tục lỗ nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa lớn. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Các doanh nghiệp KHCN được ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế, được quy định rõ trong Nghị định số 80/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN. Trong Thông tư hướng dẫn Nghị định cũng nói rõ là các chế độ ưu đãi về thuế chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp thua lỗ triền miên chưa áp dụng ưu đãi thuế. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất đối với doanh nghiệp khoa học đó là 4 năm miễn hoàn toàn, 9 năm giảm 50%, thuế suất chỉ 10% so với thuế suất thông thường. Đây là sự ưu đãi rất lớn của Nhà nước.
Tôi cũng không đồng ý quan điểm miễn thuế thu nhập cá nhân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều người có thể lợi dụng việc này. Ví dụ, doanh nghiệp thì thua lỗ, nhưng đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp thu nhập rất cao.
Còn các doanh nghiệp ứng dụng thành công các nghiên cứu của giới khoa học thì họ không chỉ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn được hưởng ưu đãi khác. Ví dụ được thuê đất với giá thấp nhất trong khung giá do Nhà nước quy định; được tiếp cận với các nguồn vốn và các nguồn tài chính; được miễn thuế đối với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong doanh nghiệp, thông qua việc dành một phần lợi nhuận của doanh nghiệp bằng việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp. Và như vậy, khi họ kinh doanh có lãi thì họ được áp dụng các quy định miễn thuế theo quy định của Nhà nước.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc LeeGroup hỏi: Chúng ta đầu tư khá nhiều cho việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghệ cao, nhưng thực tế có thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hay không, có hiệu quả thực sự không? Nên chăng, thay vì đầu tư các khu công nghệ cao, chúng ta nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng và có sản phẩm sáng tạo thật sự và đầu tư trực tiếp cho họ. Xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi đồng tình với ý kiến nói trên ở một góc độ, đó là chúng ta phải làm sao thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao vào các khu công nghệ cao. Hiện nay, có xu hướng không lành mạnh lắm, đó là nhiều địa phương xin thành lập các khu công nghệ cao, điều này sẽ làm phân tán nguồn lực của ngành công nghệ cao.
Nhà nước không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà Nhà nước có thể đầu tư vào doanh nghiệp không phải trong khu công nghệ cao nhưng doanh nghiệp đó là doanh nghiệp công nghệ cao. Cho dù họ đầu tư vào các khu công nghiệp, thậm chí là tồn tại độc lập, thì ở đâu có công nghệ cao thì Nhà nước phải hỗ trợ. Ở đâu mà sản xuất được sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, những công nghệ có giá trị gia tăng cao thì chúng ta đều phải hỗ trợ.
Và như vậy, chúng ta không phân biệt trong khu công nghệ cao hay ngoài khu công nghệ cao. Nhưng chúng ta vẫn phải làm khu công nghệ cao, vì kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt là các nước mới nổi, các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới, công nghệ cao, mà ở đó chúng ta tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, chứ không chỉ các khu công nghiệp.
Kinh nghiệm ở khu công nghệ cao Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc) là một ví dụ rất điển hình. Chỉ 100.000 lao động ở Tân Trúc, hàng năm xuất khẩu cho Đài Loan khoảng 50 tỷ USD. Trung bình một lao động tạo giá trị lên tới nửa triệu đô la/năm.
Hiện nay nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… rất quan tâm đến công nghiệp sáng tạo (Creative Industries). Đóng góp của ngành này có thể từ 7-15% GDP. Tuy nhiên hiện lĩnh vực này ở nước ta còn rất nhiều khó khăn vì gần như chưa được nghiên cứu và chưa có quy hoạch cụ thể. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ có chính sách như thế nào để thúc đẩy, phát triển công nghiệp sáng tạo?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề này từ rất lâu rồi và Bộ KHCN cũng trình Chính phủ đề án từ thập kỷ trước và đến 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về doanh nghiệp KHCN, thực chất là doanh nghiệp sáng tạo hay là công nghiệp sáng tạo. Tất nhiên, đây là vấn đề vẫn còn mới mẻ đối với Việt Nam nên Nghị định 80 là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành công nghiệp sáng tạo.
Và trong gần 8 năm qua, chúng tôi cùng với các bộ, ngành đã xây dựng hệ thống các doanh nghiệp KHCN mặc dù số lượng còn ít nhưng là khởi đầu cho quá trình để chúng ta có hệ thống doanh nghiệp sáng tạo, mà chúng ta vẫn gọi là đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như là Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng, Công ty Cấp thoát nước Bà Rịa - Vũng Tàu, là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng rất lớn, tốc độ tăng trưởng cao và họ tồn tại bền vững ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi.

Chúng tôi quan tâm tới các doanh nghiệp này không chỉ bằng các văn bản của Chính phủ mà còn tăng cường hợp tác quốc tế. Vừa rồi, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho một dự án để thúc đẩy phát triển khoa học sáng tạo với giá trị 100 triệu USD. Chính phủ Phần Lan cũng tiếp tục tài trợ cho một dự án đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, trị giá 10 triệu euro.
Chính phủ Việt Nam cũng dành ngân sách đáng kể để phát triển hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KHCN. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 592 hỗ trợ các tổ chức KHCN của Việt Nam tạo ra các doanh nghiệp khoa học từ kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN. Chúng tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp KHCN, như Chiến lược phát triển khoa học công nghệ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chúng ta sẽ tạo ra được từ 7-15% GDP từ những doanh nghiệp khoa học công nghệ này.
Báo chí gần đây có nói về việc ông Lê Văn Đáo ở Khoái Châu, Hưng Yên chế được thuốc trừ sâu từ dược thảo, không độc hại cho con người. Tuy nhiên, sản phẩm này lại chỉ sản xuất được ở quy mô rất nhỏ vì không có “bà đỡ”, không có cơ quan tổ chức nào đứng ra hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư để nhân rộng. Rõ ràng, đây không chỉ là lãng phí công nghệ mà còn là lãng phí tài nguyên, chất xám. Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm và giải pháp gì để giải quyết tình trạng như vậy?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thông tin này tôi mới được biết, tuy nhiên đứng về mặt quản lý ngành khoa học công nghệ, chúng tôi thấy Bộ KHCN hay các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong việc này. Khi một người dân, một nhà khoa học, thậm chí một doanh nghiệp có được kết quả nghiên cứu có thể còn sơ khai thì cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó.
Ở đây là trách nhiệm của Sở KHCN địa phương, khi phát hiện người dân có nghiên cứu đó thì phải hỗ trợ, giới thiệu người dân đó với các cơ quan nghiên cứu Trung ương hoặc địa phương đủ năng lực để đánh giá và hỗ trợ cho người dân nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, giúp họ đăng ký sản phẩm. Nếu là sáng chế thì cấp bằng sáng chế, nếu là sáng kiến thì được bảo hộ quyền tác giả, hoặc nếu là kiểu dáng công nghiệp thì được cấp bằng kiểu dáng công nghiệp để họ yên tâm sản phẩm của họ được bảo hộ. Sau khi hoàn thiện thì có thể được ứng dụng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng phải nói là chúng ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, để những sản phẩm này vào cuộc sống thì phải tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường. Có nghĩa là nó phải có đầu ra, hay nói cách khác các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất thuốc trừ sâu của người nông dân này thì phải có lãi, nếu không thì không dám đầu tư. Còn cơ quan Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ người dân hoàn thành sản phẩm của mình, còn để sản phẩm thành sản phẩm thương mại hóa thì còn nhiều yếu tố khác.
Một số vùng ở thành phố và nông thôn đang bị ô nhiễm nguồn nước, đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở nước ta rất cao. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ KHCN có chương trình phối hợp với các Bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ KHCN là cơ quan được Chính phủ giao quản lý các công nghệ trong đó có công nghệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường, nhưng Bộ KHCN cũng tham gia ý kiến.
Vừa rồi khi xây dựng Luật Khoa học công nghệ, chúng tôi cũng đưa vào quy định mà được Quốc hội chấp nhận. Đó là các dự án sản xuất đầu tư lớn, kể cả ở đầu tư nước ngoài thì đều có ý kiến thẩm định của Bộ KHCN về trình độ công nghệ và tác động môi trường. Chúng tôi hy vọng sắp tới việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ các bộ, ngành khi nghiên cứu về môi trường. Vừa rồi Đại học Quốc gia Hà Nội đã có công trình nghiên cứu về Asen trong nước ngầm tại Hà Nội và đã được đăng tải trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
Trong năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ một dự án rất lớn nghiên cứu chế phẩm sinh học để xử lý dioxin ô nhiễm trong đất ở các vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong chiến tranh. Chúng tôi đang cho thử nghiệm trên quy mô lớn, hy vọng sẽ xử lý triệt để ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.
                                                                                                   Theo Chinhphu.vn

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập165
  • Hôm nay43,235
  • Tháng hiện tại1,390,508
  • Tổng lượt truy cập4,095,712
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây