Những doanh nghiệp đã thành công nhờ các hỗ trợ của dự án năng suất chất lượng (NSCL) giảm được lãng phí, hoạt động hiệu quả, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các dự án của Chương trình 712 ngày càng nhiều.
Trong đó có những doanh nghiệp trở thành mô hình điểm với những thành công để các doanh nghiệp khác thăm quan, học tập và làm theo. Những doanh nghiệp đã thành công nhờ các hỗ trợ của dự án năng suất chất lượng (NSCL) giảm được lãng phí, hoạt động hiệu quả, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.
Doanh nghiệp được hưởng lợi
Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình Quốc gia NSCL, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số doanh nghiệp được lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL trong giai đoạn từ 2012-2015 là 1.137 DN.
Cụ thể, có 778 doanh nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL (105 DN lớn; 393 DN vừa và 280 DN nhỏ). Trong số này có 419 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng các HTQL (11 doanh nghiệp ISO 50001; 03 doanh nghiệp ISO 31000; 10 doanh nghiệp ISO/IEC 27001; 70 doanh nghiệp ISO 22000; 10 doanh nghiệp ISO 14000; 250 doanh nghiệp ISO 9001:2008; 50 doanh nghiệp ISO 9001 tích hợp ISO 3834; 15 doanh nghiệp áp dụng tích hợp nhiều hệ thống). 359 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến (TPM: 13 doanh nghiệp; Lean: 13 doanh nghiệp; KPIs: 03 doanh nghiệp; MFCA: 18 doanh nghiệp; 7 công cụ kiểm soát chất lượng: 65 doanh nghiệp; BSC: 10 doanh nghiệp; Global GAP: 15 doanh nghiệp và 5S: 222 doanh nghiệp).
Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp được tiếp cận với các HTQL, công cụ cải tiến năng suất tiến tiến, cùng với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhận thức của các doanh nghiệp về hoạt động quản lý, hoạt động cải tiến năng suất chất lượng được thay đổi và nâng lên rõ rệt. Thông qua việc tham gia các dự án cải tiến năng suất chất lượng, ý thức và kỹ năng của người lao động được nâng cao, tăng cường khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp, phân tích quá trình, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... Nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao lợi ích thiết thực khi tham gia Chương trình, sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả lâu dài từ Chương trình. Bên cạnh đó lợi ích kinh tế có thể đo đếm được thông qua việc giảm thiếu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng. Việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng SPHH, dịch vụ của doanh nghiệp, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và cải thiện đáng kể hình ảnh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã áp dụng rất có hiệu quả các HTQL, công cụ cải tiến năng suất, trở thành điển hình để các doanh nghiệp đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng. Các doanh nghiệp Điển hình như Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng HD Bank, Ngân hàng phát triển TP Hồ Chí Minh, Bảo hiểm PVI, Văn phòng khu vực miền Bắc-Vietnam Airlines, Bệnh viện Việt Pháp, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện quận Thủ Đức, Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Công ty Nhựa Thiếu niên tiền phòng, Tổng công ty may Đức Giang, Công ty Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), Công ty Thiên Sinh, Công ty may Đông Bình, Công ty CP công nghệ và công nghệ cao Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần LISEMCO, Công ty CP Xây lắp dầu khí Miền Nam, Công ty cổ phần IMECO, Công ty cổ phần thép Quatron, Công ty Dệt Kim Đông Xuân, Công ty Nam Dược, Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam... đã rất thành công khi triển khai các giải pháp nâng cao NSCL.
Những mô hình điểm thành công
Thống kê kết quả áp dụng hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001) cho thấy, nhiều doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng năng lượng, nguyên liệu.
Điển hình như Công ty CP tập đoàn Hương Sen - Thái Bình, sau 3 tháng áp dụng đã giảm được tiêu thụ điện năng cho quá trình sản xuất từ 95,12 KWh/1000 lít sản phẩm năm 2012 xuống còn 92,70 KWh/1000 lít sản phẩm năm 2013, tiết kiệm được 258.747 KWh tương đương 334 triệu đồng/năm.
Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai - Khu liên hợp sản xuất phốt pho, sau hơn 2 năm xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, hiệu quả thu được rất đáng kể. Năm 2014, số liệu điện năng tiết kiệm so với dữ liệu cơ sở năm 2013 là 4.161.561 kWh, tỷ lệ tiết kiệm điện đạt 4,26% so với dự kiến, tương đương với 6.507.467.615 đồng (đơn giá tạm tính theo quyết định 2556/QĐ-BCT).
Năm 2015, chỉ sau 3 tháng, lúc này Công ty đã vận hành thêm lò 2, số liệu tiết kiệm lên tới 2.055.569 kWh, tỷ lệ tiết kiệm đạt 8,26% so với dự kiến, tương đương với hơn 3 tỷ đồng. Như vậy chỉ tính riêng chi phí điện năng, sau 1 năm 3 tháng áp dụng Công ty đã tiết kiệm được gần 10 tỷ đồng.
Còn vềáp dụng công cụ cải tiến – Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu MFCA giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí. Như Công ty TNHH Nhật Tường, tỉnh Bình Dương tiết kiệm từ việc cải tiến tổng số tiền ước tính là 247.500.000đ/năm. Công ty TNHH Xây dựng và TM Lê Gia Phúc - TP. Hồ Chí Minh tổng số tiền tiết kiệm từ việc cải tiến ước tính là 242.400.000đ/năm. Công TNHH Thép Quang Minh - TP. Hồ Chí Minh tỉ lệ phôi thu hồi được sau khi áp dụng MFCA tăng từ 52% lên 69% ; giảm số tiền thất thoát do phôi không thu hồi được hàng tháng từ 8,6 tỷ (tháng 4/2013) xuống 1,7 tỷ (tháng 7 năm 2013), tiết kiệm trên 5,5 tỷ đồng/năm).
Trong việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn - LEAN giúp các tổ chức/doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn”. Công ty CNC-Vina, Hà Nội tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đức Việt (DVC), Bắc Ninh năng suất lao động tăng hơn 80%, sản lượng bình quân chung của nhân viên tổ đóng gói tăng từ 3252 SP/8h lên 5957 SP/8h, tiết kiệm 600 triệu đồng/năm. Hay như tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, áp dụng LEAN đã làm giảm thời gian lấy thuốc từ 29 phút giảm xuống còn 20 phút và 15 phút với 2 loại toa, rút ngắn thời gian từ lúc bệnh nhân nhập cấp cứu tới nhập khoa lâm sàng từ 123 phút xuống 60 phút/bệnh nhân, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả sinh hóa - miễn dịch từ 120 phút xuống 60 phút.
Với việc áp dụng KAIZEN giúp các tổ chức doanh nghiệp nâng cao năng suất thông qua việc thực hiện cải tiến liên tục theo phong cách Nhật Bản. Công ty Cổ phần May Nam Hà, sau 06 tháng triển khai dự án cải tiến Kazen tại Công ty đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày (tương đương giảm khoảng 1 ngày tồn), sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm (tăng 117%), giá trị bình quân ngày tăng từ 484 lên 599 (tăng 24%)...
(Nguồn: VietQ.vn)