Khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chương trình rất lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước. Thực hiện chủ trương quan trọng này, ngày 7-7-2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Kế hoạch số 1187/KH-UBND về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.  

Theo đó, cùng với 8 xã thực hiện thí điểm đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ tiến hành xây dựng 50 xã, bằng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ năm 2016 đến năm 2020 có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, đến năm 2020 có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 80% số xã toàn tỉnh.

Chủ động thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp&PTNT phối hợp các địa phương tiến hành rà soát hiện trạng nhằm đánh giá kết quả theo bộ tiêu chí nông thôn mới, lập đề án đầu tư cơ sở hạ tầng của 100 xã ở khu vực nông thôn, phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp& PTNT) tổ chức tập huấn về chính sách, nội dung xây dựng nông thôn mới cho Ban chỉ đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2011.

UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu liên ngành Nông nghiệp, Kế hoạch- Đầu tư và Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn và đầu tư cơ sở hạ tầng cho 8 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đã có sự chủ động, tích cực triển khai nhưng việc khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại ở khâu xây dựng kế hoạch, rà soát các tiêu chí, tuyên truyền, tập huấn...

Theo ông Nghi Quang Toán, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp& PTNT tỉnh, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần xem xét, triển khai mạnh mẽ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tăng cường đầu tư kiên cố hoá đường giao thông, phấn đấu 54 xã (bằng 54,0%) có đường trục xã; 59 xã (bằng 59,0%) có đường trục thôn, xóm và 31 xã có đường xóm, ngõ chưa đạt tiêu chí giao thông nông thôn, nâng cấp đường nội đồng của 86 xã (bằng 86,0%) chưa được cứng hoá 100%. Trên cơ sở quy hoạch thuỷ lợi đến năm 2020, các cấp, ngành cần tăng mức đầu tư nhằm cải tạo và nâng cấp hệ thống trạm bơm hiện có và xây dựng mới các trạm bơm quan trọng, nâng cao hiệu suất tưới và tiêu.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh thực hiện chương trình kiên cố hoá; đầu tư trang thiết bị trường, lớp học. Đồng thời, quy hoạch, nâng cấp nhà văn hoá, khu thể thao của xã và các thôn; xây dựng, cải tạo và nâng cấp các chợ hiện có; quy hoạch và xây dựng đối với những xã chưa có chợ.

Các địa phương cần tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chăn nuôi ngoài khu dân cư theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và an toàn dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất. Khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện "dồn diền đổi thửa", phát triển kinh tế trang trại; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ phát triển trên địa bàn nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm sử dụng nhiều lao động.

Cùng với các giải pháp trên, cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho nông dân; mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân, nhất là các xã bị thu hồi đất chuyển sang khu công nghiệp và đô thị. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quy hoạch, xây dựng bãi chứa, xử lý chất thải, mở rộng hình thức tổ chức mỗi thôn có 1 HTX hoặc tổ thu gom rác thải. Cùng với phát triển bể biogas trong chăn nuôi, cần nhanh chóng quy hoạch chuyển các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư...

Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới là cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người nông dân để trong quá trình triển khai mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Người dân cần được bàn bạc và tham gia ngay từ đầu cũng như quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của mình, của địa phương và của Nhà nước hỗ trợ để đạt hiệu quả cao nhất. Công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, giúp họ có thêm thu nhập, đồng thời đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng công trình đó. Từng người dân cũng cần nêu cao ý thức tự giác góp phần tạo nên sự văn minh, giàu đẹp của quê hương mình.

(Theo BBN)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây