Sau sáu năm thực hiện (2004 - 2010), Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi đã phát huy hiệu quả đúng như mong đợi. Từ những kết quả thu được, chương trình sẽ tiếp tục giai đoạn 2011- 2015 với những mục tiêu mới: xây dựng thị trường KHCN ở vùng nông thôn, miền núi, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ði lên nhờ KH và CN
Kết quả nổi bật giai đoạn này là Chương trình đã tổ chức triển khai thực hiện 291 dự án tại 60 tỉnh, thành phố; chuyển giao 856 công nghệ và tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân, ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo và các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đã góp phần giúp nhiều địa phương, đơn vị tăng thu nhập cho nông dân, mở ra nhiều hướng đi mới trong nuôi, trồng các loại cây, con cũng như phát triển các ngành nghề phù hợp từng địa phương.
Nổi bật là dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi tu hài thương phẩm" của Công ty TNHH Ðỗ Tờ (tỉnh Quảng Ninh). Công ty đã chuyển giao kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm cho bà con ngư dân thuộc vùng dự án với số lượng vượt kế hoạch đề ra; cung cấp giống tu hài cấp II với giá rẻ cho hơn 200 hộ dân huyện Vân Ðồn. Ðến nay, dự án đã lan tỏa đến hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã đảo và một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh và Hải Phòng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Dự án cũng đã góp phần xóa bỏ phương thức khai thác tự nhiên của ngư dân địa phương - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Hay như mô hình trồng nấm được phổ biến tại các tỉnh từ bắc vào nam đã giúp hình thành nghề trồng nấm. Ước tính, sản lượng nấm các loại thuộc dự án đạt khoảng 100 nghìn tấn với doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân.
Bên cạnh đó, nhiều dự án được triển khai đã giúp các địa phương làm chủ và giải quyết các vấn đề về: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như: Cây ăn quả có múi đặc sản; hoa các loại; phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu...
Hướng tới xây dựng thị trường KHCN ở vùng nông thôn, miền núi
Phát huy kết quả đạt được, mới đây Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1831/QÐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015.
Chánh văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Trọng Bình cho biết: Nét mới của giai đoạn 2011 - 2015 là sự điều chỉnh cơ chế quản lý nhằm nâng cao vai trò của Trung ương và địa phương trong việc khảo sát địa bàn, lựa chọn nội dung và tổ chức thực hiện... Giai đoạn vừa qua, một số địa phương còn chưa chủ động và chậm trong các thủ tục như: Cân đối phần kinh phí đối ứng, giao đất, giải phóng mặt bằng... khiến nhiều dự án KHCN triển khai chậm.
Giai đoạn 2011-2015 chương trình đưa ra các chỉ tiêu cụ thể: Chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các loại nông sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mới (mặt trời, gió, khí sinh học); ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp đối với khu vực nông thôn và miền núi, hải đảo. Chương trình cũng sẽ đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 1.800 cán bộ kỹ thuật địa phương và 40 nghìn nông dân để có một mạng lưới cộng tác viên trực tiếp ở địa phương. Hỗ trợ hình thành ít nhất 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn và miền núi; trong đó, có ít nhất 25 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ðáng chú ý, tổng kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp KHCN là 500 tỷ đồng, ngân sách KHCN địa phương 100 tỷ đồng và số vốn còn lại sẽ được huy động từ các tổ chức, cá nhân tham gia, các dự án tập trung vào 12 nhóm vấn đề lớn. Ðể thực hiện được điều này, theo Thứ trưởng Bộ KH và CN Nghiêm Vũ Khải, cần phải chọn đúng các nhà khoa học, tìm đúng các địa phương đang cần hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ðặc biệt cần tập trung xây dựng thị trường KHCN ở vùng nông thôn, miền núi, liên kết với các dự án khác, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiểu biết của người dân về KHCN, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Song song với đó cần phải tập trung xác định cụ thể và xây dựng những vùng có sản phẩm trọng điểm như cây lúa, cây công nghiệp, thủy sản... từ đó hình thành những dự án có quy mô lớn hơn, đầu tư phối hợp, liên kết giữa các dự án khác, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tránh phân tán làm giảm hiệu quả đầu tư từ các dự án.
Bên cạnh đó, các công nghệ được chọn nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng tại địa phương thì nên phù hợp với trình độ dân trí ở đó; phải ký hợp đồng chặt chẽ và phân công trách nhiệm rất cụ thể giữa cơ quan chuyển giao công nghệ và cơ quan chủ trì thực hiện. Việc tạo mối liên kết "ba nhà": nhà khoa học- doanh nghiệp- người dân cần được chú trọng hơn nữa để các kết quả chuyển giao KHCN thật sự đạt hiệu quả.
Theo báo Nhân dân, 10/12/2011