Ảnh minh hoạ Ứng dụng như nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet ngày càng trở nên phổ biến đối với người dùng điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, thói quen này có thể khiến người dùng bị mất thông tin cá nhân quan trọng.
Hơn 100 triệu lượt tải về của người dùng cho thấy mức độ “nóng” của ứng dụng. Miễn phí, không tốn dụng lượng, cài đặt rất nhanh… nên nhiều người dùng không mảy may để ý rằng có rất nhiều điều khoản được cảnh báo khi cài đặt.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển BKAV khuyến cáo: “Không chú ý đến các điều khoản, chấp nhận cài đặt, vô tình người dùng đã chấp nhận chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác”.
Những cảnh báo này chính là những điều khoản của nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu người dùng cam kết, đó có thể là chia sẻ danh bạ, dữ liệu cuộc gọi hay chia sẻ vị trí. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu tấn công, đánh cắp dữ liệu. Trên thực tế, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nhiều lần tiếp nhận nhiều vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vì bị thay đổi nội dung hợp đồng và các giao dịch điện tử.
Trung tá Lê Xuân Minh, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: “Các ứng dụng phần mềm mà chúng ta cài đặt nếu không rõ nguồn cung cấp rất dễ là nguy cơ làm mất thông tin cá nhân. Có những trường hợp các đối tượng giả lập làm khách hàng, thay đổi nội dung trong các hợp đồng cũng như nội dung trao đổi thư điện tử của các doanh nghiệp với nhau nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp”.
Cũng theo các chuyên gia an ninh mạng, ứng dụng miễn phí phần lớn được cung cấp từ nước ngoài nên không có sự kiểm soát, chịu trách nhiệm tại Việt Nam. Dù chưa phát hiện trường hợp nào bị đánh cắp các thông tin riêng tư gây hậu quả, nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, để bảo vệ mình, người dùng không nên cài đặt ứng dụng từ các nguồn không chính thống và không nên dùng các ứng dụng miễn phí để trao đổi, bàn bạc công việc quan trọng.
Theo vietq.vn