Ngành chăn nuôi đang bị DN nước ngoài chi phối: Ai được lợi?

Chỉ đến khi giá thịt tăng cao ngất ngưởng mà người chăn nuôi vẫn không mặn mà tái đàn, người ta mới đặt câu hỏi, việc để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư quá nhiều có thực sự tốt cho sự phát triển của ngành?
Ngành chăn nuôi đang bị DN nước ngoài chi phối: Ai được lợi?

Chăn nuôi thuê trên chuồng nhà
Theo thống kê, có khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) đang tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta nhưng sản lượng chiếm đến 65-70%. Còn thị trường con giống chủ yếu do 3 DNNN chi phối (vừa sản xuất thức ăn, vừa sản xuất con giống) là Japfa, CP Việt Nam và Emivest. Do DNNN có tiềm lực mạnh nên các DN trong nước không thể cạnh tranh nổi, phải quay sang làm thuê cho DNNN.
Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) cho biết, Công ty hiện nuôi 4.000 con lợn nái, 35.000 lợn thịt, mặc dù giá thịt lợn đang ở mức cao nhưng Công ty không dám đầu tư mở rộng thêm dù việc kinh doanh vẫn lãi từ 29-41 tỷ đồng/năm. "Trình độ người chăn nuôi tương đối khá, nhưng vẫn không thể phát triển được bởi hầu hết họ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ nên không kiểm soát được dịch bệnh. Còn chúng tôi là doanh nghiệp cổ phần với 73% vốn Nhà nước, năm 2010, công ty thu lãi gần 30 tỷ đồng nhưng vẫn khó mở rộng quy mô bởi phải nộp hết phần lợi nhuận cho Nhà nước. Với cơ chế, chính sách và cách làm hiện nay, chúng tôi rất khó làm ăn. Thực tế là bây giờ, chúng tôi chỉ đi làm thuê cho người Thái (Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thuộc Tập đoàn CP Thái Lan - NV)", ông Mẽ cho biết.
Cũng là người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, ông Trần Văn Chiến, chủ trang trại thuộc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây-Hà Nội) chia sẻ, hiện HTX có 70 hộ tham gia chăn nuôi thuê cho CP với số đầu lợn khoảng 5.000 con/lứa. Phía CP cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi; còn lại, người dân phải chịu toàn bộ chi phí về nhân công, điện nước, môi trường, cơ sở hạ tầng chuồng trại. Nhưng dù giá thịt lợn trên thị trường có tăng chóng mặt, giá nguyên liệu đầu vào đội lên gấp 2-3 lần thì phía CP vẫn áp dụng mức chiết khấu từ nhiều năm trước. Tình trạng tăng giá đột biến như thế này chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty chăn nuôi quy mô lớn liên doanh với nước ngoài, cụ thể ở đây là CP Thái Lan, còn nông dân Việt Nam chỉ thu được lợi nhuận rất thấp.
Có đáng lo?
Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay Nhà nước vẫn có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, việc các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào ngành chăn nuôi phải chăng là một tín hiệu mừng?
Đại diện Công ty CP Việt Nam khẳng định: "CP không trốn thuế. Luật thuế Việt Nam rất bình đẳng với các doanh nghiệp. Bản thân chúng tôi đầu tư vào ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng được miễn thuế VAT nhưng bù lại phải đóng đầy đủ các loại thuế khác".
Tuy nhiên, ông Mẽ khẳng định, thực tế là CP cũng nộp thuế nhưng lại trốn bằng cách sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi chuyển xuống hệ thống trang trại vệ tinh gia công của người Việt Nam đã ký hợp đồng. Như vậy rõ ràng là họ không mất tiền thuê đất để nuôi lợn, không phải đóng thuế. Với sự mất cân đối giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực chăn nuôi như hiện nay, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán. "Nếu cứ để chính sách như hiện nay, nông dân Việt Nam chỉ có nước đi làm thuê cho người khác", ông Mẽ nói.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Chính phủ dành phần chăn nuôi cho người bản xứ, cũng như có nhiều chính sách ưu đãi cho họ. Con giống, giá thức ăn được kiểm soát chặt, chỉ khi nào Chính phủ cho phép tăng giá mới được tăng. Cả chục năm trời Chính phủ Thái Lan mới cho DN điều chỉnh 1-2 lần. Còn tại Việt Nam, chỉ hơn 1 năm qua đã có 17 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. Do cuộc chơi không cân sức, nên DNNN chiếm lĩnh thị trường và đẩy giá lên liên tục.
Trước những thông tin này, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Chúng tôi cũng muốn CP phát triển để DN trong nước học hỏi kinh nghiệm. Thực tế, phần lớn chủ DN thức ăn chăn nuôi trong nước đều từng làm thuê cho Proconco, Cargill, CP..., do đó nếu các công ty nước ngoài làm đúng luật thì nên khuyến khích để thúc đẩy chăn nuôi phát triển".
Công ty CP Việt Nam thành lập năm 1993 với 100% vốn nước ngoài, hiện chiếm khoảng 5% thị phần thịt lợn, gà công nghiệp chiếm 40%, trứng công nghiệp chiếm 50%, thức ăn gia súc chiếm 18-20%. Có khoảng 20.000 hộ nông dân đang nuôi gia công cho CP Việt Nam. Năm 2010, doanh thu của công ty đạt hơn 1 tỷ USD.

(theo Kinh tế nông thôn, 5/9)

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây