Phát triển chăn nuôi cần bảo hiểm rủi ro

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 315 ngày 1-3-2011 về việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Tiếp theo đó có các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện.  

Bắc Ninh là một trong số 20 tỉnh được chọn làm thí điểm. Vật nuôi để bảo hiểm là lợn (lợn thịt, lợn nái) và gà (lấy thịt, lấy trứng). Đối tượng tham gia bảo hiểm là các tổ chức, hộ nông dân chăn nuôi lợn, gà. Nếu là trang trại thì lợn nái có từ 20 con trở lên, lợn thịt có từ 100 con trở lên, không kể lợn sữa, gà có thường xuyên 1.000 con trở lên (không tính đầu con dưới 7 ngày tuổi). Nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì quy mô nhỏ hơn mức trang trại. Đây là 1 chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người chăn nuôi mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

1- Chăn nuôi bấy lâu nay thường có lãi thấp, bấp bênh. Tổng chi phí đầu vào và doanh thu đầu ra có biên độ hẹp, thậm chí lỗ vốn bao hàm cả thiệt hại do dịch bệnh. Nếu có bảo hiểm sẽ tránh được thiệt hại đó.

2- Sản phẩm thịt trứng khi tham gia thị trường không được trợ giá (theo quy định của WTO), nhà nước chỉ can thiệp hỗ trợ giai đoạn chăn nuôi (khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh...). Vì thế bảo hiểm được coi là 1 giải pháp hợp lý mang tính quốc tế.

3- Bảo hiểm chăn nuôi mang ý nghĩa an sinh sản xuất, an sinh xã hội. Trường hợp không xảy ra dịch bệnh thì là sự đóng góp cho đồng nghiệp để san sẻ rủi ro. Bởi dịch bệnh bao trùm cả vùng chứ không chỉ ở 1 hộ, 1 trang trại, do đó tham gia bảo hiểm tạo sự liên kết trong toàn ngành chăn nuôi, tính chất xã hội hóa cao độ.

4- Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm, người chăn nuôi đóng góp 1 phần, sẽ là hình ảnh chân thực sự can thiệp, lo lắng cho dân của nhà nước và nỗ lực tự gánh vác của dân. Người chăn nuôi ý thức ngay trách nhiệm chủ quan trong việc thực hiện khoa học kỹ thuật chăn nuôi, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

5- Bảo hiểm chăn nuôi có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội tham gia bảo hiểm có lợi cho người chăn nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, hàng hóa nhiều, hiệu quả cao, sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ.

Qua nghiên cứu các quy định chúng tôi cho rằng:

- Việc hướng dẫn thi hành quyết định của Thủ tướng là thuộc trách nhiệm của các bộ, thông tư hướng dẫn, sau đó lại tập huấn, lên lộ trình thực hiện. Vì thế ngay năm 2011 không thể làm được.

- Các quy định về kỹ thuật chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quá chặt chẽ. Tại phụ lục III, IV kèm theo thông tư 47/2011/TTBNNPTNT ngày 29-6-2011 yêu cầu chăn nuôi lợn, gà đòi hỏi người chăn nuôi phải theo dõi ghi chép lý lịch gia súc, gia cầm chu đáo, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phải khoa học, đúng quy trình, quản lý phải tốt, phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh... Những điều kiện đặt ra nhắm đến sự hoàn hảo nhưng người chăn nuôi nhất là hộ cá lẻ rất khó đáp ứng ngay mà phải qua 1 quá trình làm quen mới thành thục.

- Các quy định về thủ tục hành chính, theo dõi, báo cáo, nghiệm thu thanh lý hợp đồng bảo hiểm... còn phức tạp như: Có đến 40 phụ lục yêu cầu người chăn nuôi, cơ quan bảo hiểm, các cấp chính quyền theo dõi nhiều năm. Khái niệm về mức miễn thường, về gà kiêm dụng...

- Mối quan hệ, trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên ngành, chính quyền cấp xã liên quan đến bảo hiểm vật nuôi rất quan trọng, chẳng hạn: vấn đề xác định hộ nghèo, cận nghèo, vấn đề dịch bệnh và việc công bố dịch bệnh, vấn đề tư vấn, kiểm tra... Những quan hệ này tuy rành mạch nhưng phải rất nỗ lực mới thực hiện được.

- Việc tính toán, áp đặt mức miễn thường, khấu trừ, không khấu trừ. Giới hạn do thiên tai gây ra (lũ lụt, hạn, rét hại, rét đậm...) làm chết vật nuôi cần vào cuộc nhanh nhạy của các ngành chức năng.

Đã thí điểm thì phải chấp nhận các mức độ thành công khác nhau; rồi sẽ tổng kết rút gọn, bổ sung để có 1 chính sách tối ưu, tinh giản dễ thi hành, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.

Với ý nghĩa to lớn của chính sách, vì lợi ích của mình người chăn nuôi ở các thôn xã được thí điểm cần mạnh dạn đăng ký tham gia bảo hiểm; chúng tôi đề xuất 1 số ý kiến sau:

1- Các cơ quan liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp cần tăng cường tuyên truyền phổ biến tập huấn để dân hiểu thật rõ điều lợi, để phấn khởi, tích cực tham gia bảo hiểm. Cần cụ thể hóa số liệu minh chứng tác dụng của chính sách.

2- Rất cần có quy ước liên tịch, quy định rõ thời điểm, định kỳ cung cấp thông tin cho cơ quan bảo hiểm tỉnh. Vấn đề này cực kỳ cần thiết để xác định rủi ro, tính toán mức độ bồi thường, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi và quản lý tốt nguồn quỹ, tránh sai lệch, lợi dụng quỹ.

3- Khi quy định UBND cấp xã đại diện cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm đối tác hợp đồng bảo hiểm nên có thêm thành phần là người chăn nuôi trực tiếp để đảm bảo chân thực khách quan.

4- Nên có quy định hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với cả các phía liên quan khi thi hành chủ trương bảo hiểm nông nghiệp để chính sách được thực hiện nghiêm.

5- Cán bộ trực tiếp cần xông xáo, giúp đỡ người chăn nuôi, coi đây là dịp thực tế bắt tay vào cuộc, chia sẻ khó khăn với họ, giúp họ làm quen với hàng loạt yêu cầu mà các quy định đặt ra.

6- Đề nghị ban chỉ đạo của tỉnh cho phép tập trung, gom đầu mối: giao cho cơ quan Bảo Việt chịu trách nhiệm cuối cùng về việc tính toán, xác định, thực hiện, bồi thường, thanh lý bảo hiểm đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc phối hợp các cơ quan thực hiện chính sách, tránh tình trạng đùn đẩy, chậm trễ cản trở việc thi hành chủ trương lớn của nhà nước.

Thực hiện thí điểm chính sách kinh tế dù khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ thành công. Bắc Ninh sẽ có những mô hình hay, kinh nghiệm tốt đóng góp nhiều, góp phần hoàn thiện để Chính phủ nhân rộng chính sách sau năm 2013.

(TheoWebsiteBacNinh)


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Chuyên trang Tiết kiệm năng lượng
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Bản tin KH&CN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay6,231
  • Tháng hiện tại6,231
  • Tổng lượt truy cập1,835,257
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây