Lưu ý vụ xuân 2012

Khác mọi năm, năm nay vụ lúa xuân với trà xuân muộn, các giống ngắn ngày là chủ lực ở hầu hết các tỉnh miền Bắc.
Lưu ý vụ xuân 2012
Tại khu vực Bắc Trung bộ, nhóm trung và dài ngày như Xi23, C70, 98-55 đã và đang được bà con gieo cấy. Tuy nhiên tỷ lệ chắc chắn sẽ giảm do mạ bị ảnh hưởng các đợt không khí lạnh mạnh nửa đầu tháng; bị chết và sinh trưởng kém. Các tỉnh Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng chủ yếu là các giống ngắn ngày với nhóm lúa lai và lúa thuần năng suất, chất lượng, sẽ được tập trung xuống mạ vào xung quanh tiết lập xuân, để gieo cấy gọn trong tháng 2.
Vụ xuân 2012, lập xuân 4/2, nhằm ngày 13 tháng giêng Nhâm Thìn; như vậy về thời vụ, bà con khá rảnh rang để lo tết nhất; nhất là không ngại lấm lem bùn đất để gieo mạ nền ở khoảng sân trước cửa. Gieo sạ, gieo vãi nhằm tiết kiệm chi phí là một trong những định hướng được khuyến cáo mở rộng ở một số tỉnh là hoàn toàn hợp lý.
Mùa vụ đã cận kề, năm 2012, năm Nhâm Thìn, những tiên lượng và dự báo xu hướng thời tiết theo "Can địa chi", theo phong thủy cũng đã được các số báo tết, báo mạng đăng tải để chúng ta tham khảo và lường đón. Từ thực tế và kinh nghiệm chỉ đạo trong những năm gần đây, với tần suất của các kiểu hình thời tiết chẳng năm nào giống năm nào, xin được nêu và tiên lượng mấy sự khác biệt chủ yếu của vụ lúa xuân 2012 để mọi người tham khảo.
Năm Rồng được dự báo mưa gió thất thường, mưa nhiều, mưa muộn. Dĩ nhiên vấn đề này gồm cả vụ mùa, vụ đông. Nhãn tiền trước mắt thì chúng ta cũng thấy ngay, cuối đông các đợt gió mùa có hướng lệch đông sớm, thổi vào phía bắc, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn, trời nhiều mây, âm u, ẩm độ cao. Tình trạng này sẽ duy trì và kéo dài suốt vụ xuân, và đây là điều kiện để bệnh đạo ôn trên lá phát sinh gây hại, không loại trừ khả năng bùng phát mạnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi lúa xuân đã đẻ kín đất.
Một số tỉnh, với phong trào xây dựng nông thôn mới, quy hoạch thủy lợi, điều chỉnh dồn điền đổi thửa được triển khai trước vụ, vì chưa biết mình sẽ được gieo cấy ở thửa nào nên việc cày lật đất năm nay rất chậm, vụ đông lại ít hanh khô, mưa ẩm xen kẽ thành ra không có ải ở hầu hết các tỉnh phía bắc và đồng bằng sông Hồng. Kinh nghiệm các cụ từ xưa đã chỉ ra rằng: "Hòn đất nỏ, một giỏ phân" hay "Ải thâm không bằng dầm ngấu", như vậy kiểu gì thì vụ xuân này bà con cũng mất đi hẳn một giỏ phân rồi.
Về khoa học đất, sau một năm canh tác, đất sẽ chứa đựng một loạt các độc tố, như chế độ ôxi hóa khử trong đất thay đổi, dung tích hấp thu giảm, sắt nhôm di động nhiều ở chân đất chua, mặn dẫn lên bề mặt... lúa xuân cấy xuống sẽ bị bó chặt và khó ra rễ, tình trạng kìm hãm sẽ diễn biến mạnh ở các chân đất vàn thấp, chua trũng, chân phèn mặn ven biển. Đây là hai yếu tố mà chúng tôi thấy hiển hiện cần phải hướng dẫn xử lý, tuy nhiên diễn biến còn phức tạp với các tình huống khó lường cần được cập nhật và giải quyết một cách linh hoạt.
Cần thiết phải hướng dẫn nông dân thực hiện và áp dụng tốt các giải pháp sau:
- Lấy nước, cày lật đất, thau chua, rửa mặn ở các chân đất phèn, phèn mặn, chân chua trũng khi có điều kiện thuận lợi thay nước mặt sau khi lật đất và bừa ngả, đặc biệt sau đợt lấy nước lần 1 theo lịch đã được triển khai trong đề án tưới tiêu. Giữ mực nước thường xuyên và hợp lý, không để cạn nước ở chân đất chua trũng nội đồng, chân đất phèn mặn; tận dụng tối đa cơ hội và điều kiện để lấy, trữ nước vào hệ thống ở lần xả nước thứ 2.
- Tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương làm đất, sơn bờ, rà bờ, làm sạch cỏ dại để tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh ẩn dật qua đông, tránh hậu họa cho vụ lúa xuân.
- Lựa chọn cơ cấu giống hợp lý, mở rộng các giống lúa ưu thế lai, các giống lúa thuần năng suất, chất lượng có khả năng chống đạo ôn, kiểm tra thóc giống, hạt giống cây màu xuân, giống dự phòng (nếu xảy ra trục trặc trong ngâm ủ), chuẩn bị bùn sông, bùn ao không chua, nilon trắng, tre làm vòm và nền gieo để sẵn sàng cho gieo mạ nền sau tết âm lịch. Chuẩn bị các chất hỗ trợ sinh trưởng phun cho mạ nền trước cấy 1-2 ngày như: KH, ET, PennacP, 3M, Yogen siêu lân...
- Bà con nông dân nên chuẩn bị đầy đủ phân bón cho bón lót: NPK chuyên lót, lân Lâm Thao, NPK hàm lượng cao. Khuyến cáo bà con không được sử dụng các loại phân NPK không chứa lân (có hàm lượng P bằng 0). Do không có ải, yếu tố kìm hãm và độc tố trong đất cao, nhất là chân đất chua trũng, phèn, mặn. Với chân đất này khuyến cáo mạnh mẽ để nông dân sử dụng các loại NPK có chứa lân dễ tiêu, cần bổ sung thêm 5-7 kg lân suppe (Lâm Thao) cho 1 sào, khử chua bằng vôi bột, 10-15kg/sào, bón trước bừa cấy.
- Tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ, kỹ thuật gieo cấy: Các giống xuân muộn có thời gian sinh trưởng ở vụ xuân trên 135 ngày, gieo trước lập xuân, ngâm giống vào tết, ủ mầm để khoảng 6, 7 tết có thể gieo mạ nền. Các giống ngắn ngày dưới 130 ngày gieo sau lập xuân (một ngày ấm bằng mười ngày rét), chuẩn bị tốt các vật liệu chống rét cho mạ (nilon, tre làm vòm, nền gieo, đất bột lấp hạt). Gieo sạ, gieo vãi tập trung 10- 20/2 dương lịch; khoanh vùng, chủ động tưới tiêu, liên kết nhóm để ngâm, gieo, trừ cỏ; hình thành các cánh đồng mẫu lớn để nâng cao chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí.
Cần chú ý hạn chế của giống (khả năng chống bệnh, đẻ nhánh, chịu rét, phục hồi sau các bất thuận...) để bố trí chân đất, thời vụ, mật độ gieo cấy và chăm sóc hợp lý. Theo dõi chặt chẽ sinh trưởng của mạ và lúa sau cấy, thông tin kịp thời các ổ bệnh, không chủ quan với bệnh lùn sọc đen. Cơ quan chuyên ngành phải xử lý kịp thời, ngăn chặn nguồn lây bệnh.
theo Nông nghiệp Việt Nam, 30/1/2012

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây