Tuy nhiên diện tích trồng bí xanh ở Hải Dương tăng chậm. Năm 2006, diện tích bí xanh là 2.138 ha, năng suất 21,1 tấn/ha, sản lượng 45,169 tấn, tập trung chủ yếu một số huyện: Tứ Kỳ, Ninh Giang, Bình Giang, Cẩm Giàng… Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng giống cho sản xuất chưa tốt và qui trình kỹ thuật thâm canh chưa được thực hiện chặt chẽ…
Năm 2007-2008 Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giống bí xanh số 1 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tại địa bàn tỉnh Hải Dương". Năm 2007 và 2008 đề tài đã thực hiện ở 10 xã thuộc các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Tứ Kỳ. Trong đó vụ đông năm 2008 tại huyện Cẩm Giàng đã trồng giống bí xanh số 1 tại các xã Cao An, Lương Điền, Cẩm Hưng với diện tích 45 ha. Qua thu hoạch và tổng kết bước đầu bí xanh số 1 tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, năng suất trung bình đạt 800 - 1.200kg/sào, giá bán 5.000-6.000 đồng/kg, thu nhập từ 90-110 triệu đồng/ha. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây vụ đông khác.
Ngày 08/12/2008 sau khi thăm quan bí xanh số 1 được trồng trên ruộng làm đất tối thiểu của xã Cẩm Hưng, Cẩm Giàng các đại biểu dự Hội thảo đã đánh giá: tuy thời tiết vụ đông năm 2008 diễn biến thất thường,nhưng được cán bộ kỹ thuật của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm hướng dẫn chăm bón đúng kỹ thuật, bí xanh số 1 tại xã Cẩm Hưng vẫn cho năng suất khá, chất lượng ngon hơn một số giống bí xanh truyền thống ở địa phương và bản được giá. Nhiều đại biểu đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và giống để cây bí xanh số 1 tiết tục được nhân rộng trên đồng đất tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Văn Vóc