PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM PHI TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Bước vào thế kỷ 21, tình hình thế giới có nhiều thay đổi tạo ra những thời cơ, thuận lợi và cả những thách thức cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong đó có vấn đề tội phạm. Hải Dương nằm giữa khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, có nhiều điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội thuận lợi nên có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Song thực tế, đó cũng là những điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng những điều kiện mới hoạt động xâm phạm an ninh trật tự .
Qua theo dõi, thống kê tội phạm trong 12 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm từ 1998 đến 2010 trên địa bàn tỉnh đã xảy tổng số 12.523 vụ vi phạm pháp luật hình sự với 16.376 đối tượng bị phát hiện, điều tra. Vấn đề đáng quan tâm là thời gian gần đây nổi lên một số loại tội phạm có những đặc điểm mới và những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng chưa được hình sự hóa. Để nghiên cứu về các loại tội phạm và các hành vi nguy hiểm mới phát sinh nói trên, chúng ta có thể gọi chung là "tội phạm phi truyền thống". Tội phạm phi truyền thống xảy ra trên phạm vi rất rộng và có những đặc thù khác nhau. Điểm chung dưới góc độ tội phạm học của các loại tội phạm này là tính "phi truyền thống" của chúng tức là những điểm mới, khác với các loại tội phạm truyền thống thể hiện như sau:
* Thứ nhất: Có tổ chức chặt chẽ, núp dưới các hình thức hợp pháp, lấy hoạt động kinh tế làm vỏ bọc để che đậy hoạt động phạm tội như: thành lập doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tạo thành bình phong che chắn cho chúng trong quá trình hoạt động. Chúng thường gây ra các tội phạm cưỡng đoạt tài sản thông qua hình thức bảo kê các nhà hàng, khách sạn, vũ trường, bến bãi, chợ...; Dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các tổ chức tội phạm, trong nội bộ tổ chức và trong nhân dân, kể cả đâm thuê chém mướn để thu lợi bất hợp pháp; Sử dụng bạo lực để trấn áp những người không phục tùng chúng nhằm đe doạ những người khác...
*Thứ 2: Hoạt động lưu động: Tỉnh Hải Dương có hệ thống giao thông thuận lợi nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động đặc biệt là tội phạm hình sự hoạt động theo kiểu băng, ổ, nhóm liên tỉnh, liên huyện. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương mỗi năm phát hiện xảy ra khoảng trên 800 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có khoảng 40% các vụ phạm tội do các loại tội phạm lưu động gây ra. Một số loại tội phạm hình sự như: cướp tài sản; trộm cắp tài sản xảy ra chiếm tới trên 60% số vụ phạm pháp hình sự, đặc biệt là cướp, trộm cắp xe máy ngày càng phức tạp và đa số là do các băng nhóm tội phạm lưu động gây ra, thủ đoạn rất tinh vi, ít để lại dấu vết và rất phức tạp nên công tác điều tra, khám phá gặp nhiều khó khăn.
* Thứ ba: Lợi dụng các điều kiện mới trong thời kỳ mở cửa và hội nhập để hoạt động như: Lợi dụng những điều kiện về giao thông đi lại, thông tin; điều kiện thuận lợi về công tác quản lý xuất nhập cảnh để tổ chức đường dây, quan hệ, móc nối hoạt động phạm tội nhất là các loại tội phạm cờ bạc cá độ bóng đá, buôn bán người; buôn lậu, rửa tiền...
Về pháp luật: Chúng triệt để lợi dụng những điểm chưa hoàn thiện, những điểm lạc hậu trong hệ thống pháp luật như Luật doanh nghiệp, luật Thuế giá trị gia tăng và lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất của tỉnh để thực hiện các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu tư chui, rửa tiền...;Lợi dụng những thiếu sót trong pháp luật hình sự như chưa quy định hoặc quy định nhưng khó áp dụng đối với các hành vi như: xâm phạm môi trường, tàng trữ, sử dụng các loại súng tự tạo, súng săn trái phép, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng... để hoạt động phạm tội.
Lợi dụng những khó khăn, vướng mắc; những hạn chế yếu kém không theo kịp tình hình của các cơ quan pháp luật và cán bộ công chức như trong việc xử lý người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài vi phạm ... để thực hiện hành vi phạm tội.
Về xã hội: Lợi dụng sự ảnh hưởng của những mặt trái cơ chế thị trường, những hệ giá trị lệch chuẩn như lối sống đua đòi, ăn chơi sa đoạ, ích kỷ hẹp hòi, tư tưởng kiếm tiền bằng mọi giá...của một bộ phận nhân dân nhất là trong thế hệ trẻ để hoạt động phạm tội. Điển hình như lợi dụng nhu cầu ăn chơi thác loạn trong vũ trường để buôn bán ma túy tổng hợp ...
* Thứ tư: Lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ để hoạt động: Chúng triệt để lợi dụng công nghệ cao để phạm tội như dùng thẻ ATM giả trộm cắp tiền ngân hàng; các loại tội phạm cờ bạc cá độ trên mạng, các loại tội phạm cướp, trộm cắp sử dụng mạng thông tin để liên lạc móc nối, cấu kết thành băng, ổ nhóm, sử dụng các loại súng bắn điện, dùi cui điện hiện đại để phạm tội; Sử dụng những phương pháp làm giấy tờ giả hiện đại để tiêu thụ tài sản phạm tội.
* Thứ năm: Tính quốc tế: Xu hướng này diễn ra theo cả 2 chiều: Tội phạm từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa hoạt động và tội phạm trong nước cấu kết với tội phạm quốc tế hoạt động. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương vấn đề trên tuy chưa bức xúc như ở các đô thị lớn nhưng đã xuất hiện các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em trẻ em ra nước ngoài làm gái mại dâm có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài; xuất hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, trộm cắp cước viễn thông, cố ý gây thương tích, vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình...do người nước ngoài thực hiện hoặc đối tượng trong nước cấu kết với người nước ngoài thực hiện. Vấn đề xử lý tội phạm có yếu tố nước ngoài hiện nay đang rất khó khăn, lúng túng do chúng ta chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, chưa thiết lập quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra tội phạm với nhiều nước và còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh phí, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ. Đây là yếu tố mà bọn tội phạm có yếu tố nước ngoài thường lợi dụng để hoạt động. Tình trạng trên không những ở địa bàn tỉnh Hải Dương mà còn trên toàn quốc.
* Thứ sáu: Tính trẻ hoá: Đây là một đặc điểm rất đáng quan tâm. Trong thống kê tội phạm thời gian gần đây, tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hoá, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên xảy ra hàng năm có xu hướng tăng. Phát sinh nhiều băng ổ nhóm tội phạm "nhí" nhưng đặc biệt nguy hiểm, gây án nghiêm trọng hơn, ý thức phạm tội đến cùng, sẵn sàng sử dụng bạo lực để phạm tội, vô cảm trước hành vi và hậu quả thiệt hại do mình gây ra.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức nghiên cứu về đề tài "Giải pháp đấu tranh chống tội phạm phi truyền thống trên địa bàn tỉnh Hải Dương" nhằm chủ động ứng phó với tình hình mới, giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh. Quá trình nghiên cứu Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức trưng cầu ý kiến của 800 sỹ quan công an trực tiếp đấu tranh chống tội phạm; 200 kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ tòa án, viện kiểm sát; điều tra XHH đối với 1000 phạm nhân để tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra những vấn đề mới, thực tiễn đang đòi hỏi để xây dựng các giải pháp phòng, chống các loại tội phạm phi truyền thống. Đồng thời Ban chủ nhiệm đề tài đã xin ý kiến các chuyên gia trong lực lượng công an, kiểm sát, tòa án, các chuyên gia thuộc Học viện CSND và các cơ quan nghiên cứu của Bộ Công an tham gia xây dựng đề tài đảm bảo tính khoa học đồng thời có giá trị ứng dụng trong thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu và hiện đang được các đơn vị công an và các ngành, đoàn thể trong Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Phạm Văn Loan – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây