Từ năm 2005-2007, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hải Dương thực hiện và hoàn thành đề tài: “Điều tra hiện trạng và xây dựng một số mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng các loại hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn trong toàn tỉnh và lựa chọn, xây dựng, thử nghiệm một số mô hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn. Đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Đánh giá hiện trạng HTX trong nông nghiệp. nông thôn trên toàn tỉnh.
Từ sau khi có Luật HTX năm 2006, về cơ bản các HTX trong toàn tỉnh đã được thành lập và hoạt động theo Luật HTX. Sau khi tỉnh Hải Dương được tái lập (tháng 1/1997), toàn tỉnh có 500 HTX, trong đó có 316 HTX nông nghiệp, còn lại là HTX trong các lĩnh vực dịch vụ khác. Thời điểm kết thúc điều tra của đề tài toàn tỉnh đã có 840 HTX, 1 Liên hiệp HTX thuộc các loại hình, lĩnh vực đã đăng ký kinh doanh. Song qua quá trình hoạt động và phát triển, một số HTX giải thể hoặc sáp nhập với các HTX khác, nhiều HTX chuyển thành doanh nghiệp, nên số HTX thực tế còn hoạt động trên toàn tỉnh là 724 HTX. Cụ thể:
- HTX dịch vụ nông nghiệp có 328 HTX, trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp qui mô toàn xã 217 HTX (chiếm 66,1%), HTX dịch vụ nông nghiệp liên thôn 15 HTX (chiếm 4,6%), HTX dịch vụ nông nghiệp quy mô thôn 96 HTX (chiếm 29,3%).
- Khu vực phi nông nghiệp có 396 HTX hoạt động trên các lĩnh vực, gồm có: 160 HTX dịch vụ điện; 48 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 36 HTX giao thông vận tải; 26 HTX Thương mại - Dịch vụ; 27 HTX xây dựng; 2 HTX thuỷ sản; 11 HTX Chăn nuôi thú y; 5 HTX vệ sinh môi trường; 3 HTX tiêu thụ chế biến thực phẩm nông sản; 2 HTX mật ong; 66 Quỹ tín dụng nhân dân; 10 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp và lĩnh vực khác.
Trong tổng số 724 HTX có 594 HTX thuộc địa bàn nông thôn (chiếm 82%); 130 HTX thuộc địa bàn thị trấn, thị xã, thành phố (chiếm 18%). Trung bình 1 HTX dịch vụ nông nghiệp có 859 xã viên. Số HTX có trên 1000 xã viên: 141 HTX (chiếm 43%); từ 101-1.000 xã viên: 86 HTX (26,2%); từ 51-100 xã viên: 28 HTX ( 8,6%); từ 7-50 xã viên: 73 HTX (22,2%).
Hầu hết các HTX trong tỉnh đều thiết lập bộ máy vừa quản lý vừa điều hành, có cơ cấu: Ban quản trị 3-5 người, Ban kiểm soát 1-3 người; chuyên môn nghiệp vụ gồm kế toán 1-3 người, thủ kho và thủ quỹ 1-2 người; bộ phận giúp việc 1-3 người; ngoài ra còn bố trí các tổ, đội hoặc cán bộ dịch vụ 1-3 người. Tổng số cán bộ HTX trong toàn tỉnh là 2.958 người có trình độ chuyên môn thấp, có mức độ thu nhập khác nhau ở mỗi loại hình, quy mô HTX, thường ở HTX phi nông nghiệp cán bộ HTX có mức lương cao hơn.
- Nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của cán bộ quản lý HTX cũng như hầu hết xã viên chưa đầy đủ. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý các HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành, nghiệp vụ; hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp, doanh thu và lãi xuất thấp, HTX còn tồn đọng về nợ... Tính đến năm 2005, các HTX dịch vụ nông nghiệp có số nợ phải thu là 31.073 triệu đồng, trong đó xã viên nợ là 23.608 triệu đồng; số nợ phải trả là 18.566 triệu đồng, trong đó nợ xã viên là 3.849 triệu đồng; số nợ HTX đề nghị xoá nợ là 5.883 triệu đồng.
2. Nghiên cứu lựa chọn mô hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn
Từ kết quả điều tra hiện trạng hoạt động của các HTX trong toàn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh Hải Dương đã lựa chọn xây dựng 2 loại mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2003:
- Mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp (Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp nông thôn): Mô hình có quy mô mở toàn xã; bộ máy quản lý được xây dựng vừa quản lý vừa điều hành, có cơ cấu: Ban quản trị 3-5 người, dưới ban quản trị có các tổ, đội hoặc cán bộ phụ trách các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất. Cán bộ HTX là người có kinh nghiệm, được đào tạo về chuyên môn. Lực lượng xã viên được xây dựng trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền vận động các cá nhân, hộ gia đình tự nguyện làm đơn tham gia HTX (với xã viên cũ thì đăng ký lại). Số xã viên ít nhất là 7 người, đồng thời xã viên phải đóng góp vốn cho HTX để đảm bảo nguồn tài chính hoạt động, lợi nhuận được trích lập các quỹ theo quy định của Luật HTX để phục vụ yêu cầu đầu tư và phát triển, dự phòng. Thực hiện từng bước đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cán bộ, xã viên theo quy định của Luật HTX và Điều lệ Bảo hiểm xã hội; đảm bảo các quyền lợi cơ bản của xã viên theo quy định của Luật HTX năm 2003.
- Mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp chuyên ngành (dịch vụ chăn nuôi, thuỷ sản, chăn nuôi-thuỷ sản, rau, quả): Mô hình có quy mô mở. Cơ cấu xã viên và phạm vi hoạt động không phụ thuộc vào địa gới hành chính, xã viên HTX là cá nhân hay hộ gia đình trực tiếp sản xuất, cung cấp chế biến hoặc tiêu thụ sản phẩm, xã viên phải có đơn gia nhập HTX và góp vốn để HTX tổ chức sản xuất và kinh doanh. Bộ máy quản lý HTX được xây dựng đảm bảo vừa quản lý vừa điều hành. Ban quản trị HTX có 3-5 người, có cán bộ phụ trách kỹ thuật chuyên ngành và các lĩnh vực hoạt động sản xuất dịch vụ. Cán bộ HTX là những người được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động dịch vụ tổng hợp với ít nhất 3 khâu trong các loại hình dịch vụ.
3. Thử nhiệm thành công 5 mô hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn đã xây dựng tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Miện
- Các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp quy mô toàn xã được thử nghiệm tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện:
+ HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng: Sau hơn 2 năm thực hiện, HTX đã tổ chức được 8 khâu dịch vụ, tăng 6 khâu dịch vụ so với năm 2005, gồm các khâu: làm đất, cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, thú y, bảo vệ thực vật, thuỷ nông, bảo vệ đồng ruộng. Kết quả hoạt động sản xuất dịch vụ: năm 2006-2007 đều tăng trưởng cao hơn so với năm 2005. Năm 2007 doanh thu của HTX đạt 759,8 triệu đồng (tăng 23,5% so với năm 2005). Số xã viên tăng từ 36 xã viên năm 2005 lên 49 xã viên năm 2007. Lương cán bộ HTX vượt chỉ tiêu đề ra, cán bộ HTX được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
+ HTX dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha, huyện Thanh Miện: Sau khi xây dựng mô hình số xã viên HTX năm 2006 là 250 xã viên, đến năm 2007 số xã viên HTX đã tăng lên 355 xã viên; số khâu dịch vụ đã tăng từ 3 khâu năm 2005 lên 8 khâu năm 2007. Doanh thu năm 2007 đạt 680 triệu đồng (tăng 13,4% so với năm 2005).
- Các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp chuyên ngành đã được triển khai thử nghiệm đạt kết quả:
+ HTX dịch vụ chăn nuôi xã Nam Hưng, huyện Nam Sách: Đây là HTX được củng cố xây dựng theo mô hình mới với 17 xã viên HTX, hoạt động trên 5 khâu dịch vụ: cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, gống, thú y và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả các hoạt động dịch vụ của HTX đem lại: lãi thu được của hộ xã viên đạt trên 1 triệu đồng/tháng (6 tháng cuối năm 2007 đạt trên 2 triệu đồng/tháng).
+ HTX dịch vụ chăn nuôi thuỷ sản xã Thái Tân, huyện Nam Sách: Được thành lập mới gồm 17 xã viên HTX đại diện cho các hộ gia đình trong xã Thái Tân. Bộ máy tổ quản lý HTX có 8 người (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kiểm soát, kế toán, thủ quỹ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ thị trường, thủ kho). Vốn điều lệ 34 triệu đồng (vốn góp của xã viên HTX 2 triệu đồng/xã viên). Hoạt động của HTX là tổ chức cho xã viên chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và làm các khâu dịch vụ, như: cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.
+ HTX Thuỷ sản xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ: Được thành lập mới năm 2006, có 17 xã viên, vốn điều lệ 50 triệu đồng (trung bình mỗi xã viên góp 3 triệu đồng). Ban quản trị HTX và bộ phận nghiệp vụ của HTX gồm 5 người (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán, kiểm soát, thủ kho, quỹ). Các khâu dịch vụ của HTX là dịch vụ về giống, thức ăn, thuốc thú y, cho nuôi trồng thuỷ sản, tiêu thụ cá giống, cá thương phẩm; dịch vụ kỹ thuật; tổ chức cho xã viên chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng xen cây ăn quả - cây có giá trị kinh tế cao.
Qua điều tra, xây dựng và thử nghiệm một số mô hình HTX, đề tài đã đưa ra được các giải pháp để củng cố, phát triển HTX và xây dựng mô hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn như sau:
- Đổi mới, nâng cao nhận thức về kinh tế HTX.
- Tiếp tục triển khai và sớm thực hiện các nội dung của Chương trình hành động số 20-CT/TU ngày 01/6/2002 của Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các HTX và công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đoàn thể.
- Đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của HTX và chọn lựa xây dựng mô hình HTX phù hợp, đúng luật và hoạt động hiệu quả.
- Gắn quá trình xây dựng và phát triển các mô hình HTX, liên hiệp HTX với việc tổ chức, triển khai các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan.
Kết quả của đề tài là luận cứ khoa học để triển khai thực hiện mở rộng kết quả nghiên cứu áp dụng cho các hợp tác xã trong toàn tỉnh. Đề tài đã thiết lập được một bộ tư liệu khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu, chỉ đạo, quản lý và xây dựng, phát triển các HTX trong tỉnh, đồng thời là tài liệu tham khảo cho các cơ quan, nhà trường, tổ chức nghiên cứu và các địa phương khác trong nước.
HOÀNG PHƯƠNG