Huy động tổng lực tham gia phòng chống dịch

Đến hết ngày 1.3, tỉnh ta chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế để tìm hiểu về các phương án ứng phó khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hải Dương.   
Huy động tổng lực tham gia phòng chống dịch

 - Hiện nay, các cơ sở y tế trong tỉnh có khả năng tiếp nhận điều trị và cách ly bao nhiêu người mắc và nghi mắc Covid-19, thưa ông?

- Ngay từ khi xuất hiện ổ dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện sắp xếp để có thể bố trí tiếp nhận thêm nhiều người nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19. Hiện 16 cơ sở y tế gồm 4bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh Nhiệt đới, Đa khoa, Nhi, Phổi và 12Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có thể bố trí tổng số 600 giường bệnh để ứng phó. Ngoài ra, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương bố trí 40 giường bệnh, hỗ trợ khi cần thiết.
- Tỉnh ta có phương án nào huy động sự tham gia của các trạm y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa tư nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh?

 

- Cuối tháng 1, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị y tế, các phòng khám đa khoa tư nhân trong tỉnh về dấu hiệu nhận biết, các biện pháp phòng chống dịch. Khi các phòng khám đa khoa tư nhân khám bệnh phát hiện trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng mắc Covid-19 và có tiền sử đến từ hoặc đi qua vùng dịch sẽ báo cáo với Sở Y tế để bố trí cách ly tại cơ sở y tế tập trung do hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các phòng khám đa khoa tư nhân trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu cách ly, điều trị bệnh nhân.

 

Nếu trong tỉnh bắt đầu xuất hiện trường hợp dương tính với Covid-19 thì các trường hợp này phải được điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh. Trung tâm y tế tuyến huyện sẽ là nơi cách ly tập trung những người nghi mắc bệnh. Trạm y tế tuyến xã sẽ giám sát những người cần theo dõi sức khỏe. Nếu dịch lan rộng và có diễn biến phức tạp hơn nữa, các bệnh viện tuyến tỉnh không đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho nhiều trường hợp dương tính thì sẽ tính đến phương án trung tâm y tế tuyến huyện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Trạm y tế sẽ tiến hành cách ly các trường hợp nghi nhiễm. Hiện nay, các trạm y tế tuyến xã trong tỉnh có thể đáp ứng hơn 1.000 giường bệnh phục vụ việc cách ly.
- Việc lập bệnh viện dã chiến đã được lên kế hoạch như thế nào, thưa ông?

 

- Ngay từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh rà soát, kiện toàn nhân sự, cơ cấu tổ chức của bệnh viện dã chiến, bố trí nhân lực sẵn sàng các phương án tác chiến. Với tình huống dịch bệnh lan rộng trong tỉnh, bệnh viện dã chiến sẽ được bố trí ở một nơi phù hợp với quy mô khoảng 200 giường bệnh. Y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến tỉnh và hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh sẽ được huy động để làm việc tại bệnh viện dã chiến.

 - Nếu dịch bùng phát, theo ông những khó khăn nào có thể phát sinh?

- Hiện nay, nhân lực ngành y tế của tỉnh ta vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế, đặt ra tình huống nếu dịch bệnh bùng phát và lan rộng thì việc thiếu nhân lực là một trong những khó khăn đầu tiên. Lúc này các y, bác sĩ phải nỗ lực hết sức để có thể tập trung cho công tác điều trị bệnh. Ngoài vấn đề nhân lực thì khó khăn tiếp theo là thiếu các trang thiết bị y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ... cho cán bộ và nhân viên y tế. Việc phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế càng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tất cả các ca nghi ngờ đều phải được theo dõi, quản lý sát sao; việc cách ly các trường hợp đến hoặc đi qua vùng dịch phải tuân thủ tuyệt đối theo quy định của Bộ Y tế. Không chỉ có sự tham gia của hệ thống chính trị, ngành y tế mà người dân cần có sự phối hợp chặt chẽ thì công tác phòng chống dịch Covid-19 mới hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!  

 

 
Theo BHD

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây