Tự thời xưa khi còn nặng về quan tước, nhà báo từng được xem như là hàng ngũ quan lại cao cấp. Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo trong Tự Lực văn đoàn, những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, đã tốt nghiệp Cử nhân luật, được triều đình nhà Nguyễn bổ đi làm tri huyện, nhưng ông từ chối, đi làm báo Phong Hóa. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nổi tiếng thần đồng, có cha và anh làm quan, tiền đồ sán lạn. Năm 1916 ông được mời đi học trường Hậu Bổ, để làm quan, nhưng vẫn thờ ơ, bỏ sang làm báo An Nam tạp chí. Ông quan bị ràng buộc bởi mối quan hệ quân thần, nhưng nhà báo lại được hậu thuẫn của công chúng, của dư luận tiến bộ mà đối diện với quyền lực.
Nói cho công bằng, nhà báo có một vị thế đáng kể trong mọi hình thái xã hội. Công chúng đặt ở họ niềm tin, và sẵn sàng chia sẻ, mong muốn họ bảo vệ quyền lợi chính đáng khi bị lực lượng hắc ám trù dập. Cũng vì thế mà nhà báo có thêm niềm tự hào, trách nhiệm. Và họ thấy phải giữ phẩm giá lương tâm trước cuộc sống.
Ở Việt Nam, báo chí có bề dầy truyền thống cách mạng, trải qua chặng đường chông gai, máu lửa huy hoàng. Đã có biết bao phóng viên đã xông pha giữa khói lửa, bom đạn thời chiến tranh, hay từng chịu hiểm nguy, gian khổ về tinh thần và vật chất trên các mặt trận chống tham nhũng, chống buôn lậu thời bình…đã anh dũng hy sinh!.
Có lẽ vì thế mà 60 năm sau ngày báo “Thanh Niên” ra đời, tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày báo chí Việt Nam. Và đúng 15 năm sau nữa, tức ngày 21/6/2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đã đồng ý gọi là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Một điều hiển nhiên, nhiều sự kiện có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội phần lớn có công lao báo chí tuyên truyền hướng dẫn dư luận. Rất nhiều vụ việc xấu xa, tham nhũng, tàn phá đất nước, được báo chí phanh phui. Không ít cán bộ lợi dụng danh nghĩa “công bộc” nhưng quan liêu, xa dời quần chúng, tham ô tài sản của nhà nước, bảo kê, chống lưng cho tội ác…, bị bóc trần mặt nạ cũng từ những bài báo, những thước phóng sự sinh động, chân xác. Những vụ đại án hình sự được đưa ra ánh sáng công luận, không có vùng cấm…cũng đều có đóng góp của các nhà báo lương tâm, dũng cảm tham gia…phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, các nhà báo không quản hiểm nguy, bị hành hung, gây thương tích đã dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…thậm chí nhà báo Đinh Hữu Dư hy sinh khi tác nghiệp đưa tin bão lũ tại Yên Bái….
Gần đây nhất cả toàn cầu trong đại họa dịch bệnh Covid-19, báo chí có một vai trò quan trọng. Công sức của họ thật đáng trân trọng trong việc tuyên truyền hướng dẫn thông tin dư luận, phát hiện và động viên kịp thời những việc tốt, người tốt, chung tay chặn đứng dịch bệnh. Việt Nam đã có tiếng thơm trên thế giới về lòng nhân đạo, bao dung, hết lòng vì tính mạng và sức khỏe cộng đồng, là có công lao của giới báo chí truyền thông…
Kể từ khi Việt Nam chuyển mình hội nhập toàn cầu, báo chí nước ta cũng chuyển hướng để kịp thời tiếp cận dòng chảy sôi động của báo chí thế giới.
Nhưng hội nhập báo chí khác với hội nhập kinh tế. Chúng ta hội nhập là để tranh thủ những công nghệ, những kinh nghiệm, bài học về nghiệp vụ báo chí thế giới, nhằm giúp các dân tộc hiểu biết, thân thiện với nhau hơn, hướng tới mục đích hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Khi hội nhập vẫn luôn giữ vững nguyên tắc“hòa nhập vẫn không hòa tan”, Đổi mới nhưng không thay màu, vẫn giữ được bản sắc văn hóa và bản lĩnh của nền báo chí cách mạng…Đáng buồn một số báo nhân danh đổi mới mà đi quá xa tôn chỉ của mình. Họ săn lùng, khai thác và đăng tin chuyện riêng tư, chuyện giật gân gây tò mò, bị dư luận gọi là những tờ lá cải. Ấy là thông tin gây phản cảm, nhẫn tâm, không quan tâm tới hậu quả báo nêu ra. Thảm hại hơn có đồng nghiệp lóa mắt trước cám dỗ đồng tiền đã uốn cong ngòi bút, hoặc tống tiền, vướng vào vòng lao lý…Có những tờ báo vi phạm kỷ luật báo chí, bị đình bản, bị phê phán trong dư luận xã hội.
Giữa thời đại thông tin bùng nổ, muốn tốn tại và phát triển, báo chí bắt buộc phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng. Nhưng nâng cao phải xét tới toàn diện, trong đó phấn đấu đạt tới tính chuyên nghiệp của báo chí là yếu tố quan trọng. Người ta không chỉ tính đến số lượng nhà báo được đào tạo, số lượng được cấp thẻ, mà ở chỗ xét năng lực chuyên môn, sự lao động sáng tạo của nhà báo trước cuộc sống. Hãy xét những tác phẩm có tạo ra hiệu ứng xã hội đến mức nào. Những quan niệm khoảng cách về báo địa phương, báo trung ương cũng chưa thật công bằng và khách quan khoa học. Không chỉ tờ báo lớn có đông nhân viên, mới có tác phẩm hay đạt giải thưởng, có khi tờ báo nhỏ, cũng đoạt giải thưởng lớn. Có những nhà báo địa phương có tầm nhìn, dũng khí và bản lĩnh, vẫn có thể sáng tạo tác phẩm hay. Từ khi báo chí điện tử ra đời và thịnh hành, làm cho đời sống báo chí càng khởi sắc, đáp ứng nhu cầu hội nhập với thế giới.
Đã đến lúc cần có lộ trình để quản lý báo chí cho hiệu quả cao. Một vài ngành, một số tỉnh đang đi tiên phong trong lĩnh vực quy hoạch lại báo chí thỏa mãn nhu cầu bạn đọc.
Những năm gần đây trong lĩnh vực hoạt động của mình, báo chí đã dần dần thoát khỏi những con số thuần túy theo bản báo cáo khô khan, trùng lặp của chính quyền. Họ vẫn dùng con số, tỷ lệ, nhưng cách thể hiện lại gần gũi đời thường, phong phú, mới mẻ từ hình thức đến nội dung, đi sâu vào đời sống sản xuất lao động, phát hiện nhân tố mới, những ý tưởng mới từ khi còn manh nha, để rồi nâng lên thành vấn đề, thành tiêu điểm để thu hút công luận và nuôi dưỡng niềm tin cuộc sống. Nhất là báo chí khoa học công nghệ đã và đang càng gắn bó với đời sống, xã hội. Từng bước góp phần làm đổi thay và nâng cao chất lượng cuộc sống ở lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở Hải Dương…
Nhìn lại 97 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo tỉnh nhà 3 tăng thêm niềm tự hào yêu nghề, tu dưỡng đạo đức phẩm chất, không ngừng trau dồi nghiệp vụ. Ngồi trước ngọn đèn, suy tư trước thời cuộc, thấy trách nhiệm, lương tâm nhà báo trĩu nặng nơi ngòi bút, muốn giải phóng năng lượng, đổi mới mạnh mẽ về hình thức, tôn lên vẻ đẹp và chất lượng của nội dung. Đồng thời báo chí phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Và không ngừng đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
Tĩnh lặng trước ngọn đèn ta bỗng nhớ hình ảnh nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, đang giơ tay vẫy gọi./.
Bài của Khúc Hà Linh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022