Ba phần tư thế kỷ: Quốc Hội Việt Nam 1946 - 2021

* Đến năm Tân Sửu 2021 nước Việt Nam độc lập tròn 76 tuổi. Và Quốc hội Việt Nam đi qua chặng đường 75 năm, với 14 kỳ bầu cử. Những giờ phút thiêng liêng ấy, cả dân tộc đã sáng suốt chọn mặt gửi vàng, bầu được những người tài đức, phụng sự công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và dựng xây tổ quốc giàu đẹp, vững bền ...
Ba phần tư thế kỷ: Quốc Hội Việt Nam 1946 - 2021

Sau khi giành chính quyền và tuyên ngôn Độc lập mồng 2/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã nêu vấn đề tổng tuyển cử trong cả nước. Người nói: "Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống… "

Tại thời điểm này, nước ta đứng trước muôn vàn  khó khăn: chính quyền mới thành lập còn non trẻ, quân đội đang được xây dựng; giặc đói, giặc dốt, đang là mối đe doạ trước mắt và lâu dài…Ngân khố quốc gia trống rỗng lại có nguy cơ thù trong giặc ngoài. Ở miền Bắc bọn phản động điên cuồng phá hoại nhà nước công nông, nhân dân lại vừa chịu nạn đói chết hơn hai triệu người. Miền Nam đang phải đương đầu với thực dân Pháp gây hấn, lăm le cướp nước ta một lần nữa. Nhưng với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của quần chúng cách mạng, ngày 8/9/1945 Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số14 về Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946 để bầu Quốc hội, lập chính phủ chính thức, xây dựng hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.

Ngày 5/1/1946 Hồ chủ tịch ra lời kêu gọi hô hào quốc dân đồng bào đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…".

Phải sống trong cảnh áp bức nô lệ, bị thực dân phong kiến đè nén tàn bạo dã man, mới thấy hết giá trị của độc lập. Phải sống trong cảnh đêm đen, len lỏi giữa tăm tối mới thấy giá trị ánh sáng của ngọn đèn tự do. Cả nước dâng trào niềm vui của dân tộc vừa thoát ách nô vong. Từ miền núi, đến đồng bằng, ven biển; từ nam ra bắc; từ nông thôn đến thành thị…bừng lên sức sống tự do. Toàn dân Việt Nam thực hiện quyền năng của mình với Tổ quốc thông qua lá phiếu bầu cử  Quốc hội.

Tại Hà Nội số ứng cử viên là 74 người, có 6 người trúng cử. Trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng số phiếu cao nhất 98,4%. Tại Sài Gòn công việc bỏ phiếu gặp khó khăn, nhưng nhân dân đã bầu được 6 vị đại biểu Quốc hội khoá I, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng, nhà cách mạng miền Nam nổi tiếng. Chỉ trong một ngày toàn quốc đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. (Sau này tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội mở rộng thêm 70 vị nữa dành cho người của Quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội, thành ra 403 đại biểu).

Cùng với cả nước, Hải Dương cũng sôi nổi trong ngày hội non sông. Từ nội thành ra ngoại thành đều tưng bừng không khí cách mạng, tự do. Các làng thôn ở các huyện như: Bình Giang, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Chí Linh…đâu đâu đều có cổng chào. Trên các phố, phường, thôn, xóm rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, vang lừng tiếng trống ếch, tiếng phát thanh hô loa tuyên truyền cổ động. Chiều ngày mồng 5/1/1946 nhân dân các địa phương tập trung tại đình dự mít tinh chào mừng ngày bầu cử và nghe phổ biến về nguyên tắc thể lệ, thời gian địa điểm đi bầu. Có nơi như làng chài Kim Lai, phường Ngọc Châu tổ chức hòm phiếu ngay ở dưới thuyền cho bà con sống nghề sông nước, đánh chài thực hiện nghĩa vụ công dân. Nhiều hòm phiếu mới 14 giờ đã kết thúc bầu với 100% cử tri tham gia. Đa số công dân từ 18 trở lên không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, nam nữ…đều đi bầu cử Quốc hội. Các cụ bà, chị em phụ nữ rưng rưng nước mắt, nghĩ đến thân phận mình trước kia chẳng bao giờ được ra chốn đình trung lo việc nước, nay được bình đẳng với nam giới, thật vô cùng xúc động. Nhiều cụ già tám chín mươi tuổi không biết chữ, nhờ người viết hộ, tự tay bỏ phiếu vào thùng coi như chuyện lạ trên đời…

 Tỉnh Hải Dương có 98% cử tri đi bỏ phiếu, 12 vị được bầu là đại biểu Quốc hội khoá I. Trong đó có các ông: Vũ Duy Hiệu, Ngô Xuân Diệu, Lương Duyên Lạc, Đinh Văn Mão, Nguyễn Hữu Túc (tức Nguyễn Công Hoà), Phan Tất Tuân, Đỗ Chu Tuấn (tức Chu Anh) Nguyễn Trọng Yên, bà Bùi Thị Diệm (tức Lê Phương)…

Sau thắng lợi bầu cử Quốc hội, nhân dân Hải Dương lại tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, và xã theo sắc lệnh 63 của Chính phủ. Ngày 26/4/1946 cử tri Hải Dương náo nức đi làm nghĩa vụ của của mình. Tùy theo số cử tri, mỗi xã có từ 15 đến 25 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết. Hội đồng nhân dân đã cử ra Uỷ ban hành chính thay cho Uỷ ban hành chính lâm thời trước đó. Bấy giờ Uỷ ban hành chính xã phần lớn là đơn vị liên xã, tổ chức chính quyền các cấp cũng được chấn chỉnh theo chủ trương mới của Trung ương.

Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở Hải Dương tiến hành an toàn, thắng lợi. Bộ máy chính quyền từ tỉnh xuống xã được kiện toàn nhanh chóng ổn định hoạt động, triển khai nhiệm vụ của chính phủ, càng ngày càng trưởng thành lớn mạnh, chuẩn bị cho lãnh đạo toàn dân kháng chiến trường kỳ vào cuối năm 1946.

Quốc hội khoá I được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, và bỏ phiếu kín. Thắng lợi đó là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ, lật đổ và xâm lược của thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai. Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I khai mạc tại Hà Nội, Bác Hồ đã nói: "…Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta…gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc"..

Đã 75 năm trôi qua kể từ tổng tuyển cử mùa xuân năm Bính Tuất, đất nước ta đã 14 lần bầu cử Quốc hội, đã bầu ra được 6.214 lượt đại biểu, riêng  đoàn Hải Dương đã bầu trên 229 lượt đại biểu. Đó là những công dân ưu tú, tiêu biểu cho sự hội tụ trí tuệ, sức mạnh của toàn dân, là tiếng nói đại diện cho các ngành, các giới, các giai cấp, tôn giáo cả nước. Đó cũng chính là kết quả bài học đoàn kết mà sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh thường kêu gọi: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công.

 Năm Tân Sửu 2021 sẽ là một mốc son trong lịch sử đất nước: Kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (1946 - 2021), cũng là thời điểm cả dân tộc tưng bừng chào đón ngày bầu cử quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026) vào ngày 23/5/2021. Đây là ngày hội lớn của non sông, trong niềm vui Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII vừa thành công rực rỡ và đang đi vào cuộc sống./.

Trích nguồn

1. Đại biểu QH từ khóa I đến khóa X (VP Quốc hội và Nhà XB Chính trị Quốc gia)

2. 60 năm Quốc hội Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia

3. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Hưng - Tập 1 (1927-1954), xuất bản năm 1996.

Bài của Hà Linh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay43,328
  • Tháng hiện tại1,341,635
  • Tổng lượt truy cập4,046,839
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây