Hải Dương: Mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ hay sản phẩm đạt được là sản phẩm hữu cơ mang tính chất tự nhiên, truyền thống lâu đời của con người, đặc biệt là không có tác động của hóa chất trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng. Sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ nhằm giải quyết các vấn đề giảm thiểu tối đa ô nhiễm do sản xuất gây ra cho môi trường; duy trì sự đa dạng hóa nguồn gene; duy trì độ mầu mỡ lâu dài cho đất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ niềm tin tuyệt đối cho người tiêu dùng; đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn đối với phân khúc thị trường khó tính trong nước và xuất khẩu; đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, kinh doanh và bảo vệ sức khỏe sinh thái cho cả cộng đồng.

Hải Dương: Mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ

Trong 2 năm 2018 - 2019, được sự cho phép của UBND tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện đề tài xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương đề tài do tiến sỹ Lê Đình Sơn, làm chủ nhiệm. Nhằm xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Hoàn thiện các quy trình sản xuất cho các nhóm đối tượng cây rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh; Kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị và các đầu mối tiêu thụ khác.

Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình tại Công ty TNHH MTV rau củ quả an toàn Thanh Hà với diện tích 10 ha. Trong đó 9 ha tại xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) và 01 ha thuộc khu vực đất bãi xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách) với quy mô và tỷ lệ đối tượng áp dụng là 60% rau ăn lá; 10% rau gia vị; 30% rau ăn hoa, củ, quả và cây họ đậu lấy hạt. Quy mô sản xuất được thực hiện đủ 10 ha/năm x 4 vụ/năm với các nhóm sản phẩm gồm 6 ha/rau ăn lá các loại; 01 ha/rau gia vị các loại và 3 ha/rau ăn hoa, củ, quả.

Đề tài sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh EMZ - FUSA, áp dụng biện pháp kỹ thuật sử dụng kết hợp giữa phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh. Năm thứ nhất 50% phân chuồng hoai mục và 50% phân bón vi sinh. Từ năm thứ 2 sử dụng 100% phân vi sinh hữu cơ. Thực hiện kết hợp với phân bón vi sinh hữu cơ EMZ-FUSA vớiphân chuồng (phân gà, phân trâu bò.. hoai mục) với quy trình áp dụng: bón lót 100% phân chuồng và bón thúc bằng phân vi sinh hữu cơ Emz-Fusa sử dụng trong năm thứ nhất. Đảm bảo nguồn phân chuồng giúp hệ vi sinh vật trong phân bón EMZ-FUSA hoạt động và tổng hợp dinh dưỡng cung cấp cho cây. Năm thứ hai sử dụng 100% phân vi sinh hữu cơ nhằm giảm công chăm sóc cho hoạt động bón phân. Sử dụng kết hợp phân chuồng và phân vi sinh hữu cơ theo phương pháp trên trong năm 2018 cho năng suất không cao so với hình thức sản xuất VietGAP tại cơ sở. Mẫu mã, quy cách sản phẩm xấu hơn so với sản phẩm VietGAP; Tỷ lệ sản phẩm có quy cách đạt tiêu chuẩn tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị chỉ đạt 70%. Năm thứ 2 cho năng suất cao hơn năm thứ nhất và tương đương phương pháp sản xuất an toàn VietGAP tại cơ sở.

Các biện pháp kỹ thuật thực hiện phòng tránh sâu bệnh hại đã được triển khai áp dụng hiệu quả như: Vệ sinh đồng ruộng trước, trong và sau quá trình sản xuất loại bỏ cỏ dại và các vi sinh vật gây bệnh cụ thể: Cày xới; phơi đất; nhổ, cắt cỏ phơi và đem đốt ngoài khu vực sản xuất; sử dụng che phủ luống bằng nilong, bằng rơm, rạ; sử dụng vôi bột để khử trùng trước, trong và sau thu hoạch 200 - 250 kg/sào.Sử dụng các loại bẫy bả sinh học như bả pheromone (đối với ruồi vàng đục quả hại bầu bí), bẫy dính côn trùng (rệp, ruồi), bả chua ngọt (bắt sâu khoang trưởng thành trên cà chua, rau muống, đậu đỗ…), bẫy bằng ánh sáng (bướm), bắt bằng tay ngắt bỏ ổ trứng, ổ sâu non, lá bị bệnh và đem tiêu hủy trong quá trình chăm sóc rau trồng áp dụng đối với sâu khoang, rệp muội, lá bị bệnh phấn trắng, sương mai…Sử dụng biện pháp bẫy cây trồng đối với bọ nhảy trên rau cải: mỗi đợt thu hoach bỏ lại một đám nhỏ để dẫn dụ bọ nhảy tập trung sau đó xịt, phun chế phẩm tỏi, ớt đậm đặc thu gom và tiêu hủy. Sử dụng rào chắn bằng nilong tránh chuột. Trồng sả, tía tô quanh bờ; trồng xen các loại rau với hành hoa, tỏi; trồng xen giữa cà chua và bắp cải, su hào để hạn chế sâu tơ và bọ nhảy hại bắp cải, su hào. Ưu tiên trồng các loại rau, củ, quả trái vụ trong khu vực nhà màng, nhà lưới. Ngoài đồng ruộng trồng rau chính vụ sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu thảo mộc tự chế từ rượu, tỏi, gừng, ớt để phòng sâu bệnh hại 1 tuần/lần. Đối với cây bị bệnh nhổ bỏ và tiêu hủy (đốt hoặc chôn ủ với vôi ngoài khu vực sản xuất). Ngâm ngập nước trong khoảng 1 tuần đối với các diện tích bị sâu bệnh hại như bọ nhảy, sâu xám, tuyến trùng…

Qua kết quả phân tích đa dư lượng về thuốc BTVT đối với 3 mẫu sản phẩm đại diện cho 3 nhóm sản phẩm năm 2018 và 2019 cho thấy: Các mẫu sản phẩm không phát hiện dư lượng hóa chất thuốc BVTV. Mẫu rau gia vị và mẫu rau ăn lá có nhiễm kim loại nặng (Cd) xong nằm trong giới hạn cho phép. Sau 2 năm 2018 - 2019 đều đảm bảo 6 ha/vụ/năm và thực hiện 4 vụ/năm nhóm rau ăn lá thu hoạch được 1.785 tấn. Trong đó, năm 2018 đạt: 851,27 tấn thu được 7,3 tỷ đồng. Năm 2019 đạt 933,53 tấn, cao hơn năm 2018: 82,26  tấn và thu được ≈ 7,82 tỷ đồng, tăng ≈ 0,5 tỷ đồng so với năm 2018.

Mô hình đã sử dụng một số giống rau được nhân giống từ địa phương như rau ngót, rau đay, rau muống và các giống khác được mua của các công ty giống như: Thần Nông, Lucky, Nova. Toàn bộ việc xử lý đối với hạt giống được áp dụng các biện pháp kỹ thuật tự nhiên như sử dụng nước ấm, ngâm ủ (không sử dụng hóa chất kích thích này mầm….). Năm 2018 nhóm rau ăn lá được ưu tiên diện tích sản xuất trong nhà lưới với diện tích 3.800 m2. Năm 2019 giảm còn 3.220 m2 và được điều chỉnh tăng cho nhóm rau ăn hoa củ quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với diện tích ngoài đồng ruộng việc sản xuất rau ăn lá theo phương pháp hữu cơ cũng được bố trí luân canh, xen canh giữa các nhóm rau trồng đặc biệt là xen canh với nhóm rau gia vị như hành, tỏi, húng…(có tinh dầu) cho hiệu quả phòng sâu hại khá hiệu quả. Áp dụng các biện pháp vệ sinh đồng ruộng như khử trùng bằng vôi bột trước và sau thu hoạch. Lượng vôi bột sử dụng trung bình 200 - 250 kg/sào. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như vệ sinh đồng ruộng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại được thực hiện theo hướng dẫn của các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật như: Thu dọn toàn bộ tàn dư sau thu hoạch, xới xáo, phơi đất, làm cỏ…thủ công (không sử dụng thuốc trừ cỏ), sử dụng che phủ nilon, che phủ bằng rơm, rạ…

Việc phòng trừ sâu bệnh hại được tuân thủ nghiêm ngặt với phương châm phòng là chính. Sử dụng chế phẩm từ rượu, ớt, tỏi, gừng định kỳ phun phòng sâu bệnh 1 tuần/lần. Khi có sâu bệnh hại có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau trồng thực hiện theo chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật và chuyên gia BVTV trong ban chủ nhiệm đề tài. Các loại thuốc BVTV được sử dụng nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép dùng trong sản xuất hữu cơ như: Vineem 1500 EC đối với sâu tơ, sâu xanh trên rau cải, Vironone 2EC (hoạt chất của cây thuốc lá) đối với bọ nhảy hại bắp cải, sâu tơ, sâu xanh hại rau cải, Wotac 16 EC đối với sâu xanh bướm trắng; Anisaf SH-01 2SL được dùng để trừ sâu xanh, sâu tơ, sâu khoang bắp cải, rau cải, rệp muội; Chubeca1.8SL, Biobac 50WP đối với bệnh thán thư, lở cổ rễ ở bắp cải, su hào; …

Kết quả năm 2019 cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2018 xong không đáng kể là do giá thành sản phẩm năm 2019 cao hơn khi được xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm và cam kết sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Năm 2019 có bổ sung diện tích đối với thì là, lá lốt do nhu cầu đặt hàng từ hệ thống siêu thị. Việc sản xuất theo phương pháp hữu cơ đối với nhóm rau gia vị tại mô hình cũng được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giống. Mô hình đã sử dụng một số giống được nhân giống từ địa phương như: Lá lốt, mùi tàu, sả, húng…Các giống khác như xà lách, hành hoa…cũng được mua của các công ty giống như: Thần Nông, Lucky, Nova. Mặt khác, nhóm rau gia vị được sử dụng hỗ trợ phòng ngừa sâu bệnh hại khi áp dụng trồng xen với các nhóm rau trồng khác.

Xây dựng thành công mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn tỉnh với quy mô áp dụng 10 ha chuyên canh cho cây rau màu. Toàn bộ diện tích được tổ chức sản xuất 4 vụ/năm x 2 năm 2018 - 2019 cho tất cả các sản phẩm rau, củ, quả. Trong đó, diện tích nhóm rau ăn lá 06 ha/vụ; nhóm rau gia vị: 01 ha/vụ và nhóm rau ăn hoa, củ, quả 03 ha/vụ. Các nhóm sản phẩm của mô hình được kiểm nghiệm trong 2 năm đều cho kết quả đảm bảo theo đúng quy định đối với sản phẩm hữu cơ (không có dư lượng chất hóa học tồn dư trong sản phẩm). Sản phẩm thuộc mô hình được xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Kết quả sản lượng thu được từ nhóm rau ăn lá cho 851,27 tấn/năm 2018 và 933,53 tấn/năm 2019; Nhóm rau gia vị cho sản lượng 80,05 tấn/năm 2018 và 80,88 tấn/năm 2019; Nhóm rau ăn hoa củ quả cho sản lượng 165,41 tấn/năm 2018 và  216,65 tấn/năm 2019. Hiệu quả kinh tế thu được từ 10 ha sản xuất và tiêu thụ lần lượt ở các nhóm rau ăn lá, gia vị và rau ăn hoa củ quả năm 2018 là 7,3; 0,83; 2,17 tỷ đồng/năm 2018 và 7,82; 0,84; 2,67 tỷ đồng/năm 2019 cho lãi thuần 220 - 270 triệu đồng/10 ha/năm.

Việc xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phù hợp đối với cơ sở có quy mô sản xuất tập trung, có thị trường sản phẩm đầu ra ổn định và được áp dụng trong điều kiện sản xuất công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả cao và bền vững hơn sản xuất ngoài đồng ruộng. Sản xuất theo phương pháp hữu cơ ở năm thứ nhất cho năng suất thấp hơn và chi phí cao hơn năm thứ hai, hiệu quả kinh tế thu được ở năm sau cao hơn năm trước. Các chi phí cho sản xuất hữu cơ tập trung chủ yếu ở công lao động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Ngược lại, các chi phí cho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu đối với nguyên vật liệu và năng lượng (phân bón, thuốc BVTV). So sánh đối chứng hiệu quả kinh tế thu được từ sản xuất theo phương pháp hữu cơ cao hơn so với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại cơ sở trung bình 2 - 7 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ cho mẫu mã không đẹp bằng sản phẩm VietGAP xong sản phẩm được sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, nguồn sản phẩm đầu ra tiêu thụ ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tực hiện liên kết thành công chuỗi tiêu thụ sản phẩm thuộc mô hình. 100% các sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ kết nối tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, các nhà hàng, cửa hàng sản phẩm rau an toàn, các bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Chuyên trang Tiết kiệm năng lượng
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Bản tin KH&CN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay8,733
  • Tháng hiện tại17,982
  • Tổng lượt truy cập1,847,008
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây