Hiện nay ở tỉnh ta chăn nuôi vịt ngoài việc nuôi nhỏ lẻ, đã có một số nơi hình thành mô hình nuôi tập trung theo quy mô trang trại như xã Bình Xuyên, Thái Hòa, (huyện Bình Giang), xã Ngô Quyền, Tân Trào, Đoàn Kết (huyện Thanh Miện), xã Nam Tân, Hiệp Cát, Quốc Tuấn (huyện Nam Sách),...và ngày càng được mở rộng. Nhu cầu về giống thủy cầm có năng suất và chất lượng ngày càng được chú trọng và đang là nhu cầu cần thiết cho các hộ chăn nuôi.
Hai giống vịt TS 132 và Star 53 do Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương - Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Phú Xuyên - Hà Nội chọn tạo có đặc điểm nổi trội là có khả năng thích nghi rộng, nuôi được ở các vùng miền và theo nhiều phương thức nuôi khác nhau, vịt có tỷ lệ thân thịt cao đạt trên 72%, tỷ lệ thịt ức cao, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp. Với những ưu điểm trên, để đánh giá khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế của giống vịt Star 53 và TS132 trên địa bàn tỉnh, năm 2019 Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khảo nghiệm giống tỉnh Hải Dương được giao thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình chăn nuôi thương phẩm giống vịt Star 53 và TS 132 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Sau một năm thực hiện đề tài đã xây dựng được mô hình chăn nuôi thương phẩm hai giống vịt mới với quy mô: 10.000 con giống vịt Star 53thương phẩm; 5.000 con giống vịt TS 132 thương phẩm; địa điểm thực hiện tại xã Bình Xuyên, (huyện Bình Giang) và xã Ngô Quyền (huyện Thanh Miện). Để thực hiện mô hình đảm bảo kết quả theo mục tiêu Thuyết minh đề tài đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì thực hiện Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khảo nghiệm giống đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn cho trên 100 hộ chăn nuôi tham gia, góp phần đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và người chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi vịt nói riêng và thủy cầm nói chung.
Kết quả mô hình vịt Star 53 thương phẩm: tỷ lệ sống cả giai đoạn đạt 97,1 - 97,4%. Vịt sinh trưởng và phát triển tốt, sau 50 ngày tuổi tuổi vịt Star 53 có khối lượng cơ thể đạt 3,1 kg - 3,3 kg/con, lượng tiêu tốn thức ăn là 2,3 - 2,4/kg tăng khối lượng, tỷ lệ thân thịt đạt 72,46%, tỷ lệ thịt đùi là 15,2%, tỷ lệ thịt ức là 16,90%, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương. Mô hình vịt TS 132 thương phẩm:có tỷ lệ nuôi sống cả giai đoạn bình quân đạt 97,4 - 97,7%, nuôi 50 ngày tuổi khối lượng cơ thể trung bình đạt 3,2 - 3,3 kg/con, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượnglà 2,4 - 2,43 kg, tỷ lệ thân thịt đạt 72,6%, tỷ lệ thịt đùi là 15,0%, tỷ lệ thịt ức là 16,91%,thích nghi tốt với điều chăn nuôi tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi hai giống vịt mới, bà con nông dân đã được Ban chủ nhiệm Đề tài hướng dẫn thực hiện một cách nghiêm túc quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại, sử dụng thuốc thú y và vacxin để phòng các bệnh truyền nhiễm thường gặp. Trong quá trình úm, sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh E.coli và thương hàn, kết hợp với vitamin và men tiêu hóa hỗ trợ. Tiêm vacxin cho vịt theo các giai đoạn: Vacxin (SINDER) phòng bệnh rụt mỏ cho vịt lúc 1 ngày tuổi; lúc 3 - 4 ngày tuổi tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan; lúc 7 - 10 ngày tuổi tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả; lúc 15 ngày tuổi tiêm phòng vaxin cúm gia cầm. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi có sử dụng một số kháng sinh để phòng bệnh cho vịt vào những giai đoạn thời tiết giao mùa bất lợi. Nhờ vậy mà trong hai đợt nuôi, vịt Star 53 và TS 132 sinh trưởng và phát triển đồng đều, không xảy ra dịch bệnh gây hại.
Mô hình chăn nuôi thương phẩm hai giống vịt mới Star 53 và TS 132 đều đảm bảo cho hiệu quả kinh tế khá. Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá cả thực phẩm cũng có nhiều biến động tuy nhiên giá xuất bán của gia cầm, thủy cầm tương đối ổn định và có xu hướng tăng, đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Các hộ tham gia mô hình xuất bán vịt Star 53 và TS 132 sau 7 tuần tuổi. Đợt 1, giá vịt Star 53 và TS 132 xuất bán bình quân tại các xã là 38.000 - 39.000 đồng/kg (tháng 6/2019). Đợt 2 xuất bán (tháng 10/2019) đạt 46.000 - 48.000 đồng/kg. Bình quân ở đợt 1 mỗi hộ nuôi 1.000 con/mô hình cho thu lãi từ 22 - 24 triệu đồng. Bình quân ở đợt 2 mỗi hộ nuôi 1.000 con/mô hình cho thu lãi từ 46 - 48 triệu đồng.
Để tiếp tục duy trì, mở rộng và đảm bảo hiệu quả trong chăn nuôi hai giống vịt này trong thời gian tới sau khi đề tài đã kết thúc đề nghị đối với các hộ chăn nuôi phải lựa chọn mua con giống đúng nguồn gốc xuất xứ để con giống được đảm bảo về chất lượng giống và tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời, cần thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, đảm bảo tốt công tác phòng bệnh cho đàn thủy cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên xem xét bổ sung giống vịt Star 53 và giống vịt TS 132 thương phẩm vào cơ cấu giống của tỉnh, đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kện cho các địa phương triển khai và thực hiện nhân rộng mô hình nuôi vịt Star 53 và vịt TS 132 thương phẩm, hỗ trợ cho người chăn nuôi trong việc xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, để kết nối các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giúp cho việc chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Bài của KS Vũ Văn Tân, PGĐ Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khảo nghiệm giống
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020