Năm 2019 - 2020, thực hiện đề tài “Điều tra hiện trạng, đánh giá khả năng ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất giải pháp phòng ngừa, kiểm soát” nhằm đánh giá đa dạng thành phần loài, xây dựng bản đồ phân bố và xác định mức độ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đối với kinh tế, môi trường và sức khoẻ cũng như đề xuất các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Đề tài đã xác định được 21 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương, bao gồm có 13 loài thực vật, 8 loài động vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại. Tiến hành thu mẫu vật đại diện tại các sinh cảnh tự nhiên và các sinh cảnh nhân tạo của 13 loài thực vật và 06 loài động vật ngoại lai xâm hại trong quá trình khảo sát thực địa.
Đề tài ghi nhận số lượng loài thực vật ngoại lai xâm hại lớn nhất tại TX. Kinh Môn với 11 loài; TP. Hải Dương, TP. Chí Linh và Thanh Hà với 10 loài, chiếm 76,92%; các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ ghi nhận phân bố của 8 loài; các huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện có 7loài; các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang với 6 loài. Đối với các loài động vật ngoại lai, ghi nhận phân bố tại khu vực TP. Chí Linh có số lượng loài ngoại lai cao nhất với 8 loài; TX. Kinh Môn, TP. Hải Dương và Thanh Hà có 7 loài; các huyện Bình Giang, Kim Thành, Ninh Giang có 6 loài; huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện ghi nhận phân bố của 5 loài; huyện Nam Sách có số lượng loài động vật ngoại lai ít nhất với 4 loài.
Kết quả khảo sát thực địa cho thấy các loài thực vật ngoại lai phân bố ở sinh cảnh đô thị nhiều nhất với 11 loài; tiếp đến là sinh cảnh đồng ruộng và sông ngòi với 9 loài; sinh cảnh nông nghiệp vùng hoa màu, rừng trồng và rừng tự nhiên đều ghi nhận phân bố của 7 loài. Đối với các loài động vật ngoại lai phân bố ở sinh cảnh đô thị và ao hồ có số lượng loài lớn nhất với 6 loài, tiếp sau đó là sinh cảnh sông ngòi có 5 loài, sinh cảnh đồng ruộng có 3 loài, sinh cảnh hoa màu có 2 loài; hai sinh cảnh rừng trồng và rừng tự nhiên đều bắt gặp ít nhất 1 loài động vật ngoại lai xâm hại.
Con đường xâm nhập chủ yếu của các loài thực vật ngoại lai là bị động. Các loài động vật ngoại lai xâm lấn sang môi trường mới chủ yếu dưới sự tác động của con người. Các loài ngoại lai trong khu vực nghiên cứu được đánh giá có khả năng xâm nhập cao vào các hệ sinh thái bao gồm các loài: Bèo lục bình, cây Mai dương, Trinh nữ móc, Cứt lợn, Cỏ lào, Ốc bươu vàng, Ốc sên, Cá rô phi và Cá tỳ bà. Một số loài được xếp vào khả năng xâm nhập thấp là Lược vàng và Rùa tai đỏ. Từ thành phần các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã điều tra, cung cấp thông tin về ảnh hưởng của loài đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân.
Nghiên cứu đã xác định 13 loài nằm ở danh mục đen, 6 loài nằm ở danh mục xám và 2 loài nằm trong danh mục trắng. Dựa trên đặc điểm tác động của các loài sinh vật ngoại lai, đề xuất các giải pháp hạn chế, giảm thiểu, kiểm soát, diệt trừ với các loài trong danh mục trắng, xám, đen.
Tiến hành thử nghiệm thành công các phương pháp kiểm soát, diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại ở quy mô hộ gia đình, bao gồm: Kiểm soát, diệt trừ thử nghiệm Ốc bươu vàng bằng biện pháp cơ học, sinh học, dùng thảo mộc, dẫn dụ sinh học và biện pháp hóa học; Kiểm soát diệt trừ thử nghiệm cây Mai dương bằng biện pháp cơ học, sinh thái, sinh học và hóa học; Kiểm soát, diệt trừ thử nghiệm bèo Nhật Bản bằng các biện pháp cơ học, sinh học, hóa học; Kiểm soát, diệt trừ thử nghiệm Ốc sên bằng các biện pháp cơ học, sinh học, sinh thái và hóa học. Từ kết quả nghiên cứu đã xây dựng quy trình kiểm soát, diệt trừ Ốc bươu vàng; cây Mai dương; Ốc sên; cỏ lào và Bèo nhật bản...
Đề tài đã xây dựng được Quy hoạch, khoanh vùng và dự báo các vùng có loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đưa ra các biện pháp quản lý để diệt trừ hay sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh học để kiềm chế sự phát triển và lây lan của các loài này.
Bài của Nguyễn Thị Kim Hoa
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022