Ngày 30/4 ở một làng quê hậu phương …

Trong khi ngoài mặt trận lửa đạn vang rền, đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn… thì ở hậu phương những ngày cuối cùng cuộc chiến tranh, chúng tôi đã làm những việc bé nhỏ như thế, đóng góp trong ngày vui lớn của toàn dân tộc...
Ngày 30/4  ở một làng quê hậu phương …

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân mở màn từ ngày 4/3/1975 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, rồi nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

 Ngày 19/3 Quảng Trị được giải phóng, liên tiếp ngày 24/3 giải phóng thị xã Tam Kỳ và Quảng Ngãi, ngày 26/3 Huế về tay nhân dân, rồi 3 ngày sau, tức 29/3 Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

Thừa thắng, từ đầu tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực tiến sâu về phía nam, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, tất cả hướng tới Sài Gòn. Ngày ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam dồn dập đưa tin chiến thắng làm nức lòng người.

Ngày ấy tôi đang làm Trưởng ban thông tin xã Thái Học. Còn nhớ, sau tết Ất Mão (1975) cỡ gần một tháng, thì Phòng Thông tin huyện Chí Linh mở lớp học ngắn ngày bồi dưỡng nghiệp vụ cho anh em thông tin viên các xã để phục vụ công tác tuyên truyền trước tình hình mới. Ngoài việc nói chuyện thời sự, hướng dẫn cách viết tin, cách tường thuật gương người tốt việc tốt…, còn có thêm một nội dung mới, là thi viết khẩu hiệu trên tường.

Ông Hoàng Lâm lúc đó là cán bộ Ty Thông tin Hải Hưng bấy giờ  được cử về hướng dẫn lớp học. Ban tổ chức chuẩn bị những chiếc bảng tin và những bức tường ở xung quanh, cho người quét vôi trước, để hôm sau thi. 

Đề bài thi chỉ là một số khẩu hiệu hành động cho biết trước. Trong thời gian cố định, người thi phải trình bầy, chọn kích thước, kiểu dáng chữ và sử dụng  màu sắc sao cho khẩu hiệu đẹp, và hấp dẫn người xem, nhưng phải đạt yêu cầu dễ đọc, dễ nhớ… Đặc biệt phải đúng thời hạn cuộc thi.

Năm ấy có anh Nguyễn Văn Nghinh ở xã Văn An cùng tham gia. Anh viết nhanh, đẹp. Tiếng trống thúc dồn dập bên tai, nhưng anh rất bình tĩnh. Khi trình bày xong, còn say sưa vẽ thêm mấy họa tiết vào khẩu hiệu cho bắt mắt, chẳng để ý đến tiếng trống báo hết giờ. Kết quả, anh chỉ nhận được giải nhì, ai cũng tiếc.

Xã Thái Học (Bình Giang) những năm 1972 - 1975  có phong trào hoạt động thông tin, tuyên truyền mạnh, liên tục được tỉnh khen thưởng. Trong địa bàn thì phố Thiên là tụ điểm dân cư quan trọng, thường xuên đông người qua lại. Ở đây có ngã ba, một lối đi vào huyện Chí Linh, một lối về bến đò Đông Mai sang tỉnh Quảng Ninh và một lối ra Hải Dương.

Chính nơi này chúng tôi dựng cụm tin, gồm những bức tường nhà dân, dựng cổng chào, căng khẩu hiệu bằng cót và dựng thêm pa nô vải…Chúng tôi sưu tầm  trên báo chí, phóng tranh nội dung cổ vũ chiến đấu, như “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” và “Quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên”. Đặc biệt vẽ tấm bản đồ Việt Nam thật to trên bức tường nhà dân cao 4 mét.

Hàng ngày nghe đài, báo đưa tin giải phóng tỉnh nào, chúng tôi dùng bột màu đỏ tô vào tỉnh đó. Và chẳng bao lâu, tấm bản đồ choán gần hết màu đỏ. Người dân ít chữ xem cũng biết là quân ta sắp tiến vào Sài Gòn.

Một hôm ông trưởng Ban Tuyên giáo xã đi họp huyện về, thông báo tin tức mới và nhắc nhở anh em thông tin xã có kế hoạch chủ động

Tôi cho mua thêm vải làm băng rôn, và linh cảm ngày chiến thắng đang đến gần. Tôi cắt dán khẩu hiệu với dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng giải phóng Sài Gòn”. Còn một khẩu hiệu khác với dòng chữ “Ngày ….tháng…năm 1975 Sài Gòn đã giải phóng!”. Tất cả dán chắc chắn, thành khẩu hiệu hẳn hoi. Riêng con số thì  đã cắt sẵn,  để trống… lúc nào cần mới dán vào để khẩu hiệu được hoàn chỉnh. .

Tất cả gấp cẩn thận...chờ đợi.

Trưa  ngày 30/4, tôi bỗng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin từ chiếc đài bán dẫn vang lên“Đồng bào chú ý! 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Tôi ngờ ngợ từ ngoài sân chạy vào, vẫn giọng phát thanh viên, nhắc lại. Mừng quá, tôi vội lấy những tấm băng rôn đã chuẩn bị, gọi thêm mấy anh chị em  đội thông tin, dán thêm những con số về ngày, tháng còn để trống. Tay dán  chữ số mà lòng hồi hộp chỉ sợ dán nhầm. Mấy bạn trong đội thông tin nghe tin cũng chạy đến. Tôi phân công mang đi treo đúng vị trí đã bàn định trước.

Ngày ấy phương tiện thông tin thật nghèo nàn. Tin tức ở huyện, ở xã chủ yếu là nghe hệ thống truyền thanh tỉnh, huyện. Vì vậy, tin giải phóng Sài Gòn do chúng tôi đưa ra kịp thời làm cho nhân dân quanh vùng phấn khởi… 

Lại đúng vào thời điểm bà con xã viên đi làm đồng về nghỉ trưa. Mọi người túm tụm lại hỏi han nhau, đọc khẩu hiệu, biết tin giải phóng Sài Gòn thì sung sướng vô cùng. Người qua đường ai cũng dừng xe, dừng bước ngước nhìn, chia sẻ niềm phấn khởi. Tôi đã chứng kiến một cụ già khuôn mặt nhăn nheo đứng nghe người xung quanh đọc tin, bàn tán mà giàn giụa nước mắt vì vui sướng. Có một chị  vừa ở đồng về, mồ hôi thấm bết mái tóc, đọc dòng chữ bảng tin, bỗng quay đi nghẹn ngào, với đôi mắt đỏ hoe…Chắc chị có chồng đi B lâu rồi không tin tức?.

 Người khắp nơi đổ về qua ngã ba tới  đây đều dừng lại. Người ta không ngớt ngợi khen“Thông tin ở đây làm nhanh quá!”.

Đêm ấy, đội thông tin chúng tôi tổ chức một chương trình cổ động nhanh nhạy đặc sắc để chào mừng ngày giải phóng Sài Gòn. Anh Lược, quê Hải Phòng cùng gia đình sơ tán về đây, chơi đàn Măng - đô - lin rất giỏi. Thoạt đầu Lược chơi bài“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng cất tiếng bước”, sau gõ ba hồi kẻng (Kẻng làm bằng vỏ bom câm, báo giờ đi làm của xã viên hợp tác xã). Tiếp đến đọc tin chiến thắng giải phóng Sài Gòn do chúng tôi nghe đài tóm tắt..

Trong khi ngoài mặt trận, lửa đạn vang rền,đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn…thì ở hậu phương những ngày cuối cùng cuộc chiến tranh, chúng tôi có những việc bé nhỏ  như thế, đóng góp trong ngày vui lớn của toàn dân tộc..

Ấy vậy mà đã 47 năm!

Bài của Thiên Gia Trang

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập171
  • Hôm nay37,354
  • Tháng hiện tại1,281,988
  • Tổng lượt truy cập3,987,192
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây