Dự báo tình hình sâu, bệnh, chuột hại lúa chiêm xuân năm 2016 và một số giải pháp trong chỉ đạo phòng

 Theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thuỷ văn Hải Dương tình hình thời tiết vụ chiêm xuân sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nền nhiệt trung bình toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (19,30C).

Đợt rét đậm đầu tiên đã xuất hiện vào cuối tháng 12/2015; cả mùa có thể xảy ra từ 4 - 6 đợt rét đậm, rét hại, tập trung chủ yếu vào tháng 02 và tháng 03/2016. Tổng lượng mưa toàn mùa có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc ít hơn trung bình nhiều năm (252mm); số ngày mưa nhỏ, mưa phùn tập trung chủ yếu vào tháng 02 và tháng 03. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh và phát triển gây hại; trong đó đáng chú ý là bệnh đạo ôn và rầy nâu.
Theo Kế hoạch vụ lúa chiêm xuân 2015-2016, tỉnh ta gieo cấy: 61.000 ha. Trà xuân sớmdự kiến khoảng dưới 10% diện tích, gồm cácgiống:  Xi23,P6, nếp DT22, nếp ĐN20. Trà xuân muộn dự kiến khoảng trên 90% diện tích, gồm các giống lúa thuần: Q5, KD18, TBR1; giống lúa chất lượng: BT7, nếp 97 và các giống lúa lai: Syn6, Thục Hưng 6, Bio 404, PHB 71, Thái Xuyên 111, BTe 1.
Căn cứ vào dự báo diễn biến của thời tiết, cơ cấu giống lúa vụ chiêm xuân 2015 - 2016 và số liệu tình hình sâu, bệnh - dịch hại phát sinh hàng năm, Chi cục BVTV tỉnh dự báo một số đối tượng sâu, bệnh, chuột hại chủ yếu sau:
- Bệnh đạo ôn lá: Bệnh xuất hiện một vài ổ trên giống nhiễm vào giữa tháng 3, bệnh tăng dần và hại nặng cuối tháng 3 đầu tháng 4; dự báo bệnh phát sinh gây hại thấp hơn so với vụ xuân năm 2015.
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh xuất hiện và gây hại từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi lúa trỗ gặp thời tiết âm u, có mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài; khả năng bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh gây hại cao hơn vụ xuân năm 2015.
- Rầy nâu và rầy lưng trắng: Rầy lứa 1 xuất hiện rải rác với mật độ thấp trên trà xuân sớm, phạm vi phân bố hẹp. Rầy lứa 2 xuất hiện từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 gây hại cục bộ trên giống nhiễm. Rầy lứa 3 gây hại từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5; đây là lứa rầy nguy hiểm, gây hại nặng ở vụ xuân với mật độ cao, phạm vi phân bố rộng; khi lúa ở giai đoạn trỗ thoát đến chín sáp (đỏ đuôi). Các giống lúa thơm, lúa nếp, lúa lai...; đặc biệt giống BT số 7 thường bị rầy tập trung gây hại.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non lứa 1 gây hại rải rác trên trà lúa xuân sớm với mật độ thấp. Bướm lứa 2 vũ hoá vào cuối tháng 3, sâu non lứa 2 nở rộ đầu tháng 4 gây hại trà xuân muộn với diện phân bố rộng, mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm 2015 và là lứa sâu chính trong vụ.
- Bệnh khô vằn: Bệnh phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái đến trước khi thu hoạch, gây hại nhiều thường ở trên diện tích cấy dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm; chân đất cao thường xuyên mất nước bệnh thường phát sinh gây hại nặng, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10-20%, cao 30% số dảnh, mức độ hại cao hơn năm 2015.
- Sâu đục thân lúa bướm hai chấm: Sâu non lứa 1 gây hại nhẹ cho trà xuân sớm, phạm vi gây hại hẹp; đáng chú ý sâu non lứa 2 gây bông bạc cho trà lúa xuân trỗ muộn; trỗ sau 15/5, tỷ lệ bông bạc trung bình từ 5-7%, cao 20% (diện hẹp), mức độ gây hại cao hơn năm 2015.
- Chuột hại: Chuột gây hại ngay từ đầu vụ cho đến trước khi thu hoạch với phạm vi và mức độ gây hại tương đương năm 2015.
- Ngoài 6 đối tượng chủ yếu đã nêu, trên đồng ruộng còn xuất hiện: ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ sinh lý, ruồi vàng, bọ trĩ gây hại đầu vụ; bệnh thối thân, bệnh vàng lá - khô đầu lá gây hại giữa vụ; bệnh lem lép hạt, bệnh phoi trắng đầu bông gây hại cuối vụ.
Để giảm thiểu tối đa sâu bệnh phát sinh gây hại, Chi cục BVTV tỉnh đưa ra một số giải pháp, nguyên tắc trong chỉ đạo phòng trừ:
- Thường xuyên tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị, cuộc họp ở cơ sở, thông tin bằng  Tờ rơi, để hướng dẫn các biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và chuột hại tới các địa phương và người dân nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của sâu bệnh và chuột đối với sản xuất và sự cần thiết của “Tuần lễ diệt chuột”.
- Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như: trồng cây khỏe, thường xuyên thăm đồng, bảo tồn thiên địch và nông dân trở thành những chuyên gia.
- Khuyến cáo nông dân áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) như: bón phân cân đối; bón sớm, bón tập trung; ở giai đoạn tượng khối sơ khởi (TKSK) bón theo phương pháp so mầu lá lúa (LCCC).
- Làm đất kỹ, nhuyễn, san phẳng; bón phân cân đối, tăng cường phân hữu cơ, lân, kaly giúp cây sinh trưởng phát triển tốt tăng sức chống chịu sâu, bệnh.
- Chọn giống kháng sâu, bệnh; phù hợp với chân đất và tập quán gieo trồng tại địa phương.
- Gieo cấy đúng thời vụ; hướng dẫn nông dân sử dụng mạ non, mạ đủ tuổi, loại bỏ mạ già. Gieo, cấy với mật độ hợp lý.
- Đảm bảo đủ nước trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, áp dụng điều chỉnh nước ruộng theo quá trình sinh trưởng của cây để đạt số dảnh hữu hiệu tối đa.
- Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm khi sâu, bệnh - dịch hại mới phát sinh tuổi nhỏ, diện hẹp để có biện pháp xử lý kịp thời mang lại hiệu quả cao.
- Tuyên truyền phát động nông dân tích cực áp dụng các biện pháp thủ công như: sử dụng bẫy cạm, đào bắt chuột; vợt, bắt ốc bươu vàng; ngắt ổ trứng, lá bệnh; diệt sâu non... Chỉ sử dụng thuốc hoá học khi thật cần thiết; hạn chế sử dụng thuốc BVTV có độc tính cao, nên chọn dòng thuốc đặc hiệu có nguồn gốc sinh học, thảo mộc ...
- Khi sử dụng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng kỹ thuật) đảm bảo thời gian cách ly và tập trung, tráng rửa bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV về đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái.
- Để diệt chuột có hiệu quả cần áp dụng đồng bộ các biện pháp và duy trì thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên cần tập trung và phát động toàn dân tích cực tham gia vào các tuần lễ diệt chuột trong năm; nhất là "Tuần lễ diệt chuột" của đầu vụ, đầu năm. Khi trên đồng ruộng hết thức ăn, chuột thường co cụm và diệt chuột ngay ở thời kỳ chuột bố mẹ, nhằm hạn chế chuột sinh sản; nó có ý nghĩa quyết định đến sự phát sinh, phát triển của chuột và hạn chế được tác hại do chuột gây ra nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng./.
KS. Vũ Đình Phiên
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1/2016


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây