Hiệp định yêu cầu mỗi nước thành viên phải thiết lập một Điểm hỏi đáp về TBTđể trả lời và cung cấp các văn bản có liên quan đến các biện pháp kỹ thuật cho các nước thành viên và các đối tượng liên quan trong đó có doanh nghiệp. Mạng lưới TBT Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Mạng lưới TBT Việt Nam bao gồm 10 điểm TBT của bộ và 63 điểm TBT của địa phương với Văn phòng TBT Việt Nam là đầu mối.
Điểm TBT Hải Dương thuộc Phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng và TBT, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Hải Dương (Sở Khoa học và Công nghệ).Điểm TBT Hải Dương có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiêuchuẩn, đo lường, chất lượng nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tỉnh nói riêng nắm bắt được tinh thần cơ bản của Hiệp định TBT, tránh những rào cản không cần thiết trong thương mại, những vấn đề mà doanh nghiệp cần thực hiện trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi Hiệp định TBT trong phạm vi của doanh nghiệp và địa phương mình.
Kể từ khi thành lập đến nay, TBT Hải Dương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu gồm hơn 200 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực được coi là thế mạnh của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dệt may, nông sản,v.v…; đã chủ động rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành có liên quan đến các sản phẩm của các doanh nghiệp; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên cập nhật và phân loại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo các ngành nghề khác nhau để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về TBT. Hoạt động thông tin tuyên truyền về TBT đã được thực hiện riêng hoặc lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Từ tháng 8/2007, TBT Hải Dương thực hiện biên tập và phát hành Bản tin TBT với định kỳ 02 số bản tin hàng tháng để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp các vấn đề có liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tiếp nhận và xử lý các thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của các nước liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Đến nay, TBT Hải Dương đã phát hành được 260 số bản tin.
Ngoài ra, điểm TBT Hải Dương cũng đã trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về tiêu chuẩn, chất lượng như hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn Quốc gia, công bố tiêu chuẩn cơ sở, trình tự thủ tục đánh giá hợp chuẩn/hợp quy. Chủ động nắm bắt thông tin về năng lực hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, xây dựng và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp để phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nắm bắt và liên hệ; đề xuất, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, đặc biệt là thông qua Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020” mà Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng là cơ quan trực tiếp thực hiện.
Việc cam kết thực hiện Hiệp định TBT đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo các loại hàng hóa được đối xử công bằng khi xuất sang các nước trong tổ chức WTO, đồng thời nó cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp mà thị trường các nước đặt ra. Cùng với TBT Việt Nam, điểm TBT Hải Dương đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương nói chung./,
Bài của Ngô Kiều Oanh
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018