Bệnh cúm gia cầm H5N6 và các biện pháp phòng, chống

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm. Bên cạnh đó, kết quả chủ động giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm tương đối cao (khoảng 2% tổng số mẫu xét nghiệm).
Bệnh cúm gia cầm H5N6 và các biện pháp phòng, chống

Dự báo trong các tháng cuối năm 2019, nguy cơ dịch bệnh gia tăng là rất cao vì thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan, lưu lượng vận chuyển gia cầm tăng mạnh, nhất là các tháng giáp Tết Nguyên đán...

Do vậy, trong giai đoạn này đề nghị người chăn nuôi, chủ động theo dõi tình hình dich Cúm gia cầm trên các kênh thông tin, chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển  trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời nên cơ quan thú y và Chính quyền địa phương khi dịch bệnh mới được phát hiện tránh dịch bện bệnh lây lan rộng.

Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm nhằm bù đắp cho lượng thịt lợn giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi; tạo điều kiện xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm; giảm thiểu nguy cơ truyền lây vi rút cúm từ động vật sang người. Thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn, chủ động phối hợp với cơ quan Thú y lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh Cúm gia cầm để cảnh báo sớm về tình hình dịch và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức chỉ đạo Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương tập trung đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia cầm trong nước; trong đó cần có Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với các nộidung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại dịch bệnh Cúm gia cầm và các biện pháp phòng trừ.

Như chúng ta đã biết bệnh Cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: gà, vịt, ngan, chim cút…gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh Cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 13.000.000 con gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm đặc biệt là H5N6, Chi cục Thú y Hải Dương hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm H5N6 như sau:

1. Cách nhận biết bệnh: Khi mắc bệnh gia cầm thường có các biểu hiện: Chết đột ngột với tỷ lệ cao và  không có triệu chứng điển hình hoặc có các biểu hiện khác như: Chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, lười vận động, đầu gục xuống đất, khó thở, phù đầu và mặt, mào và tích sưng to, da tím tái, da chân phần không có lông xuất huyết tím thành vệt, ỉa chảy rất nặng, phân xanh-vàng. Gia cầm kém ăn, giảm sản lượng trứng. Khi mổ khám gia cầm thấy: xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.

2. Biện pháp phòng, chống: Để đảm bảo có đàn gia cầm khỏe mạnh, cho năng xuất trứng và thịt cao; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Không gì khác người chăn nuôi phải nắm vững các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theoquy định của cơ quan Thú y.

- Con giống: Chỉ mua gia cầm ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không có bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác; chọn những con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thực hiện nuôi nhốt cách ly ít nhất 02 tuần.

- Chuồng nuôi và vệ sinh phòng bệnh: Chuồng nuôi phải luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, dễ vệ sinh khử trùng tiêu độc; sân thả gia cầm phải khô ráo sạch sẽ, có tường bao quanh; Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi 1 lần/tuần bằng các loại hóa chất như: cloramin, HanIodine, benkocid và vôi bột...; mật độ gia cầm phải đảm bảo theo mùa, lứa tuổi loại gia cầm. Phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng; Trước cửa chuồng hoặc cổng ra, vào khu chăn nuôi phải có hố sát trùng. Không cho người và các động vật khác vào khu vực chăn nuôi.

- Chăm sóc, nuôi dưỡngCho gia cầm ăn đủ khẩu phần ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y; không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn mang từ các trại gia cầm khác đến. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, các chất điện giải chống mất nước và chống stress. Cung cấp nước uống sạch trong suốt quá trình chăn nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm, cách ly những gia cầm gầy yếu để chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ riêng. Có chuồng nhốt riêng những gia cầm ốm do các bệnh khác (không phải cúm gia cầm) để điều trị, báo cáo nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết nghi cúm gia cầm hoặc không rõ nguyên nhân.

Thực hiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm theo đúng quy, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Để công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm có hiệu quả tạo miễn dich tốt cho đàn gia cầm Chi cục thú y khuyến cáo người chăn nuôi nên sử dụng vắc xin Navet Vifluvac để phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm cụ thể như sau:

* Đối với gà:Thực hiện tiêm lần đầu đối với gà từ 14 - 35 ngày tuổi trở lên, tiêm với liều 0,5 ml/con; vị trí tiêm dưới da cổ ở 1/3 phía dưới;

* Đối với vịt, ngan, chim cút:Tiêm cho vịt từ 21 ngày tuổi trở lên và phải tiêm nhắc lại mũi 2 sau mũi 1 từ 2 - 3 tuần với cùng liều lượng 0,5 ml/con; vị trí tiêm dưới da cổ ở 1/3 phía dưới.

- Khi xuất bán gia cầm, sản phẩm gia cầm phải báo cho Cơ quan thú y để thực hiện viêc kiểm dịch vận chuyển theo hướng dẫn của Luật Thú y; không nên cho người lạ và phương tiện vào trong trang trại để mua bán nếu chưa được sát trùng đúng quy định. Nên thực hiện cùng nhập, cùng xuất; Sau mỗi lứa phải thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại, và để trống chuồng ít nhất 15 ngày sau mới cho nhập lứa mới.

- Thực hiện tốt “5 không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được dấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường.

- Trường hợp phát hiện có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho trưởng thôn, nhân viên thú y xã và chính quyền địa phương để xử lý theo quy định và khi có dịch cúm gia cầm xảy ra chủ chăn nuôi gia cầm phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp hướng dẫn của chuyên môn về phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.

Trên đây là cách nhận biết về bệnh Cúm gia cầm H5N6 và các biện pháp phòng, chống, rất mong các nhà chăn nuôi nghiêm túc thực hiện theo đúng hướng dẫn của Cơ quan thú y để ngăn chặn dịch cúm gia cầm không bùng phát gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi và sức khỏe của cộng đồng./.

BSTY Đặng Hữu Trường, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2019


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây