Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại Hải Dương

Đệm lót sinh học là đệm lót trên nền chuồng chăn nuôi, sử dụng các nguyên liệu như trấu, mùn cưa để độn nền chuồng, sau đó rải một lớp chế phẩm vi sinh có ích lên bề mặt chất độn. Hiện nay, công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được tỉnh Hải Dương triển khai đến một số địa phương, áp dụng trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà đem lại hiệu quả cao. Điển hình là các dự án: "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ năm 2014 - 2015" của Hội Nông dân tỉnh và Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh triển khai.
Ông Trần Duy Ngân, thôn Nghĩa Khê, xã An Lâm, huyện Nam Sách là một trong số 11 hộ tham gia mô hình "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ năm 2014 - 2015" do Hội Nông dân tỉnh tổ chức thực hiện. Ông Ngân nhận được mức hỗ trợ 450 nghìn đồng/m2 nền chuồng để cải tạo thiết kế nền chuồng và mua nguyên, vật liệu để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn. Nhận được sự hướng dẫn kỹ thuật thiết kế và sử dụng đệm lót sinh học, ông bắt tay vào cải tạo chuồng nuôi lợn trên nền đất cứng vốn có, đào sâu một phần nền chuồng để thay bằng nguyên liệu làm chất độn gồm có trấu, mùn cưa, sau đó ông rải một lớp men sinh học đã được phối trộn. Lượng nguyên liệu này tạo ra được lớp đệm lót dày 60cm trong chuồng nuôi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi được đảm bảo nền chuồng cao hơn mặt nước ngầm để tránh rò rỉ nước từ bên ngoài, tránh mưa dột. Mật độ nuôi đảm bảo từ 1,5 - 2 con/m2 nền chuồng. Sau hơn một năm áp dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gia đình ông Ngân đã nhận thấy những ưu điểm rất lớn của phương pháp này. Ông Ngân chia sẻ: Từ khi áp dụng đệm lót sinh học, chuồng nuôi lợn không có mùi hôi phát tán trong không khí, giảm hẳn dịch bệnh trên đàn lợn, lợn cũng lớn nhanh hơn vì không phải sử dụng thuốc kháng sinh chữa bệnh. Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn thường gặp một số loại bệnh dịch như tiêu chảy ở lợn con, bệnh tụ huyết trùng, long móng lở mồm hay dịch tai xanh. Nay không có loại bệnh dịch nào xuất hiện trên đàn, một phần nhờ tiêm vác xin đầy đủ, một phần là do chuồng nuôi sạch sẽ giúp lợn tăng sức đề kháng trước sự biến đổi của điều kiện thời tiết khí hậu.
Mỗi năm, gia đình ông Ngân xuất bán 6 lứa lợn thịt với số lượng 6 - 7 chục con có trọng lượng 90 - 120 kg/con, thu lãi 30 - 35 triệu đồng. Việc áp dụng công nghệ đệm lót sinh học với chi phí thấp, hiệu quả chăn nuôi cao góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ như gia đình ông.
 Bên cạnh hiệu quả trong chăn nuôi lợn, công nghệ đệm lót sinh học cũng đã được nhiều hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng trong sản xuất. Mô hình chăn nuôi các giống gia cầm như gà Mía lai, gà Ri lai và gà lai Chọi được áp dụng trên nền đệm lót sinh học BALASA No1. Từ năm 2013, ông Nguyễn Xuân Chinh, thôn Đươi, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc sử dụng chế phẩm sinh học BALASA No1 trong chăn nuôi gà lai chọi, gà Ri lai tại hộ gia đình. Ông Chinh cho biết, gia đình ông xây dựng 4 chuồng nuôi gà với diện tích 50 m2, quy mô mỗi lứa 600 con. Áp dụng đệm lót sinh học, ông rắc trấu, mùn cưa và rơm băm nhỏ độ dày 10 cm rồi trộn chế phẩm cùng với bột ngô rải đều trên mặt lớp đệm lót, sau 1 tuần bắt đầu thả gà vào nuôi. Trước đây, gia đình ông thường xuyên phải dọn chuồng gà, tốn nhiều công sức, từ khi dùng chế phẩm sinh học cho đệm lót, mỗi lứa gà ông chỉ cần thay đệm lót 1 lần. Không chỉ đỡ công dọn chuồng, áp dụng công nghệ đệm lót sinh học giúp giảm dịch bệnh trên đàn gà, giảm mùi hôi trong chăn nuôi.
Năm 2015, anh Đào Văn Hanh, thôn La Xá, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn nuôi 3.000 con gà Ri lai và lai chọi trên nền đệm lót sinh học BALASA NO1 theo phương thức bán chăn thả. Đệm lót sinh học giúp hạn chế mùi hôi của khu vực chuồng nuôi, giảm tỷ lệ dịch bệnh trên đàn gà, tăng độ bền đệm lót nền chuồng nên tiết kiệm rất nhiều công dọn chuồng. Thay bằng việc dọn nền trấu mỗi tháng 1 - 2 lần như trước đây; nay anh chỉ cần dọn chuồng sau khi kết thúc mỗi đợt nuôi. Đàn gà không bị dịch bệnh và nhanh lớn, sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2,5 kg/con trở lên, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo kết quả đánh giá mô hình của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh, đệm lót sinh học đã phân hủy và làm mất mùi hôi của phân gà, khí độc trong chuồng nuôi, giúp giảm tỷ lệ dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y, giảm công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất độn. Gà nuôi trên nền đệm lót sinh học có bộ lông sạch sẽ, tơi mượt, thịt chắc và thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học sẽ tiếp tục phổ biến kỹ thuật áp dụng công nghệ đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Thị Ánh

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập204
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,094,138
  • Tổng lượt truy cập3,799,342
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây