Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học: Với hoạt động chuyển giao kỹ thuật

Trung tâm Ứng dụng TBKH (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương với chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc lựa chọn, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, đào tạo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân; chuyển giao, thương mại hoá và nhân rộng các kết quả của đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm; tổ chức các cuộc tham quan các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học: Với hoạt động chuyển giao kỹ thuật

Trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định. Để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào các địa phương trên địa bàn tỉnh, hằng năm Trung tâm đã trú trọng vào hoạt động chuyển giao kỹ thuật. Thông qua việc chủ trì thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, Dự án nông thôn miền núi, Trung tâm đã chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ để tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trung tâm luôn luôn chủ động nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới thông qua các Viện nghiên cứu, trường đại học ở trung ương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để áp dụng thành công vào thực tế của tỉnh; từng bước làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm KHCN đặc trưng cung cấp cho thị trường và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học, dịch vụ chuyển giao công nghệ:
- Công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện nghiên cứu rau quả chuyển giao để sản xuất một số giống cây dược liệu (lô hội, Trinh nữ hoàng cung), cây ăn quả (chuối tiêu hồng, chuối tây), hoa cây cảnh (hoa cúc, hoa lan Hồ điệp, lan Vũ Nữ).
- Công nghệ vi sinh do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học chuyển giao để sản xuất chế phẩm Fito-Biomix-RR dùng xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ, giống vi sinh vật hữu ích để sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường đáy ao nuôi thủy sản (BIOF).
- Các tiến bộ kỹ thuật về giống lúa, cây rau màu, cây ăn quả, gia cầm và thủy sản; sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, …
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện đề án "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2009- 2013", đội ngũ cán bộ của Phòng Tiết kiệm năng lượng được đào tạo bài bản về kiểm toán và quản lý năng lượng, được đầu tư trang thiết bị kiểm toán chuyên ngành có đủ khả năng thực hiện các loại dịch vụ quản lý, tiết kiệm năng lượng.
Từ năm 2011 - 2014, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn định kỳ và thường xuyên hằng năm với số lượng được 218 lớp, trong đó có hàng chục lớp cho các cơ sở sản xuất. Năm 2011, tổ chức 90 lớp, năm 2012: 69 lớp, năm 2013: 32 lớp, năm 2014: 27 lớp. Các lớp tập huấn đã chuyển giao quy trình khoa học kỹ thuật mới cho gần 150.000 lượt hộ nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh với các tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và các lĩnh vực khác. Chỉ tính riêng  trong 02 năm đầu thực hiện (2011 - 2012) “Kế hoạch khung tổ chức xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, Trung tâm đã phối hợp với 12 huyện, thị xã, thành phố tổ chức gần 100 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật xử lý rơm, rạ cho các hộ nông dân và cán bộ quản lý cơ sở. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn các hộ nông dân đã nắm vững được quy trình kỹ thuật mới về các giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật, thú y phòng bệnh, công nghệ xử lý môi trường để áp dụng vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
Năm 2015, Trung tâm đã phối hợp với các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang, Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà, thị xã Chí Linh và thành phố Hải Dương tổ chức xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp cánh tác tiến bộ, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua xây dựng các mô hình đã  tổ chức được 17 lớp tập huấn chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống: Các biện pháp thâm canh các giống lúa chất lượng (BT7 kháng bạc lá, Nàng Xuân, RVT), giống cây trồng mới: dưa  lê Kim cô nương, NH-2798, Kim Hoàng Hậu, ớt chỉ thiên lai F1 tên lửa 107, cam V2; nuôi cá rô phi đơn tính lai xa theo hướng an toàn, chăn nuôi các giống gà chất lượng ri lai, lai chọi, giống vịt Super M3; sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA trong trồng trọt, chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót trong chăn nuôi, …
Ngoài ra hàng năm Trung tâm cũng đã hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn miễn phí về ứng dụng và chuyển giao một số tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp xử lý môi trường mới cho hàng trăm lượt hộ nông dân tại một số địa phương trong tỉnh.
Hoạt động chuyển giao kỹ thuật đã được đánh giá cao và từng bước đáp ứng được nhu cầu của các địa phương tham gia đề tài, dự án, nhiệm vụ thường xuyên do Trung tâm làm đơn vị chủ trì thực hiện triển khai trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của các địa phương và bà con nông dân thì việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu. Việc đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho các địa phương mới trong khuôn khổ các đề tài, dự án khoa học. Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường vẫn còn một số hạn chế: Chưa có kế hoạch bài bản, dài hạn, chưa có các khóa đào tạo ngắn hạn kết hợp với thăm quan thực tế mô hình áp dụng tiến bộ KHCN cho người dân và cán bộ địa phương, tổ chức liên kết giữa các địa phương với nhau mà Trung tâm làm cầu nối chưa được phát huy, khả năng liên kết với cơ quan khoa học và công nghệ Trung ương (Viện, Trường ...) để cung cấp giống, vật tư mở rộng mô hình có lúc còn bị động.
Phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, trong những năm tới Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ kết hợp với chuyển giao kỹ thuật để các địa phương và bà con nông dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận, học tập và áp dụng để tổ chức sản xuất; đổi mới phương pháp tiếp cận nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các đối tượng khác nhau một cách có hiệu quả nhất; tăng cường hợp tác giữa người nông dân, cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở nhằm mở rộng sự ứng dụng của các tiến bộ kỹ thuật.
KS. Vũ Văn Tân
Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1/2016


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây