Theo nhiều nhà nghiên cứu, thú chơi hoa, cây cảnh ở nước ta có thể hình thành từ thời Lý - Trần, vào thời kỳ đất nước độc lập tự chủ. Thời ấy, kinh thành Thăng Long đã có làng hoa Ngọc Hà và có cả một “Hoàng hoa thị” (chợ bán hoa cúc vàng) - hoa cúc được người dân tìm mua dâng lên các chùa chiền, đền, miếu. Ở Nam Định, quê hương các vị vua Trần, hoa và cây cảnh được trang hoàng ở các hoàng cung, để Thái thượng hoàng, hoàng đế, hoàng hậu, các phi tần thưởng ngoạn. Ngay từ thời đó, Nam Định đã nổi tiếng về làng hoa Vị Khê. Còn ở Hải Dương, núi Dược Sơn (thị xã Chí Linh) là nơi quân dân nhà Trần trồng các loại cây thuốc, cũng đậm đà hương sắc bởi cây thuốc quý cũng là cây cảnh, hoa cảnh đẹp.
Thú chơi cây cảnh là một nét đẹp văn hóa phương Đông. Từ Bonsai (tiếng Anh) bắt nguồn từ tiếng Nhật, là cách phát âm hai chữ bồn tài trong tiếng Hán, bồn là chậu, tài là trồng. Nghệ thuật trồng cây trong chậu bắt nguồn từ nước Trung Hoa cổ, nhưng ở các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…đều có sự sáng tạo riêng. Ở Việt Nam, ngoài cây trong chậu theo đúng nghĩa Bonsai, còn có cây cảnh, cây thế, gỗ lũa, đá mỹ thuật, gốm sứ cổ, tiểu cảnh…Ngày trước, nước ta có hai loại cây thế cổ truyền là cây thế cung đình và cây thế tư gia. Cây thế cung đình thường mô phỏng các con vật linh thiêng (rồng, phượng, rùa…) Cây thế tư gia nhằm giáo dục lẽ sống, đạo đức, như phụ mẫu, phụ tử, tam đa, thất hiền, ngũ phúc, trạng nguyên, tiến sĩ…
Ngày nay, người chơi cây thế đang tìm tòi, sáng tạo nhiều thế cây mới, biểu hiện tâm hồn phong phú, sáng tạo của người Việt Nam. Một trong những sáng tạo độc đáo đó là cây thế đa làng. Thoạt đầu chỉ trồng một cây đa. Sau đó, trồng tiếp các cây khác như sanh, si, lộc vừng… Một bệ cây gốc rễ tỏa đều bốn phía. Một thân to vươn thẳng, một loạt rễ phụ từ các cành cây buông thõng xuống đất, gợi lên cảnh làng quê êm đềm thân thuộc. Không chỉ có thế, nhiều nghệ nhân chơi sinh vật cảnh đã tạo tác công phu theo các tiêu chí “cổ-kỳ-mỹ” (cổ, mới lạ, đẹp), cho ra đời nhiều tác phẩm tinh tế và mang lại lợi ích kinh tế cao như các nghệ nhân Nguyễn Đức Sang (Thanh Miện), Vũ Tuấn Điệp (TP.Hải Dương), Phạm Viết Chữ (Nam Sách), Đoàn Thế Dân (Kinh Môn), Trần Minh (Bình Giang), có sản phẩm đem về hàng tỷ đồng cho chủ nhân. Mấy năm trước, có cây sanh cổ do ông Nguyễn Mạnh Cường sở hữu đã thu hút sự quan tâm của giới sinh vật cảnh cả nước. Nguyên là giám đốc một công ty cổ phần chuyên kinh doanh thóc giống, ông được gọi một cách thân mật là ông Cường “thóc” ở phường Thạch Khôi (TP.Hải Dương). Ông nghe đồn có một cây sanh đã 260 năm tuổi, từng khoe dáng đẹp vô song tại triều đình Huế, được một gia đình Tôn thất lưu giữ mấy chục năm. Cây sanh ôm đá, có rất nhiều rễ phụ bao trùm quanh góc, nhiều rễ thả từ trên cành xuống, sống khỏe, chịu được mọi khắc nghiệt của thời tiết. Ông kỳ công mua được, đem về Hải Dương. Năm 2004, có vị khách đến xin mua với giá 1,2 tỷ đồng, ông Cường không bán. Sau, ông Vũ Tuấn Điệp đến nằn nỳ mua lại với giá 2,5 tỷ đồng. Ngày ngày, ông Điệp ra công tỉa tót. Cây được mang tên “thập toàn đằng vân”, nhiều người đến hỏi mua, giá cứ lên vùn vụt. Cuối năm 2008, có nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng đất tổ Hùng Vương là ông Phiến “cá” dám bỏ ra hơn 6 tỷ đồng mua lại. Nhưng rồi “thập toàn đằng vân” lại bay vuột khỏi tay ông Phiến “cá”. Ông Toàn “đô la” đã chi 10,4 tỷ đồng và đưa cây thế quý báu này về vườn cây sinh vật cảnh của mình ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Không phải ai cũng thu bạc tỷ như trường hợp ông Cường “thóc”, ông Phiến “cá”. Nhưng phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái đang thu hút đông đảo người dân trong toàn tỉnh Hải Dương. Mùa xuân, nhiều nhà vườn đang tỏa hương khoe sắc, đồng thời đem lại sự giàu có chính đáng cho các nghệ nhân, phần lớn là những người cao tuổi đam mê với nghệ thuật thu nhỏ cảnh quan tuyệt mỹ của thiên nhiên vào bồn chậu quanh nhà.
Nguyễn Hữu Phách
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2016