Gà TP lông màu được nuôi tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) Sáng ngày 11/9/2013, tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi gà lông màu hướng thịt TP được triển khai tại hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Gà lông màu TP có khả năng sinh sản tốt, cao hơn rất nhiều so với các giống gà lông màu khác đã và đang được nuôi tại tỉnh Hải Dương. Nuôi gà lông màu TP thương phẩm bằng hai phương thức cho thấy: Gà lông màu TP thương phẩm sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với nguyên liệu địa phương có tỷ lệ nuôi sống tương đương với sử dụng cám ăn thẳng nhưng cho khối lượng cơ thể thấp hơn và tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể cao hơn. Khi sử dụng phương thức nuôi bán chăn thả cho khối lượng cơ thể thấp hơn và tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể cao hơn và phải nuôi kéo dài hơn nhưng giá bán gà thịt cao hơn so với mô hình sử dụng phương thức nuôi nhốt nên hiệu quả cuối cùng ở mô hình 2 cao hơn mô hình 1 là 96.000 đến 246.000đồng/100 con. Tuy nhiên, khi sử dụng khẩu phần ăn tự phối trộn người chăn nuôi ở Hải Dương có thể tận dụng được nguồn cám ngô hay thóc tại địa phương vì vậy giá thành/kg thức ăn hạ thấp hơn so với giá thành của cám hỗn hợp ăn thẳng, chất lượng thịt không ảnh hưởng, hiệu quả cuối cùng ở mô hình 2 cao hơn mô hình 1 là 84.000 đến 101.000đồng/100 con. Năng suất trứng/mái đến 40 tuần đẻ ở mô hình 1 đạt 166,15-166,48 quả và mô hình 2 đạt 165,37-166,44 quả. Tiêu tốn thức ăn/10 trứng ở mô hình 1 là 2,64-2,65kg; mô hình 2 là 2,71-2,73kg. Tỷ lệ phôi đạt 96,32-96,60%. Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 81,27-81,77%. Thu nhập trung bình/1 gà mái sinh sản ở mô hình 2 đạt 478 - 487 nghìn đồng và cao hơn mô hình 1 đạt 402-432 nghìn đồng.
Qua đó bước đầu cho thấy giống gà TP có khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường tỉnh Hải Dương.
Bảo Ngọc
Qua đó bước đầu cho thấy giống gà TP có khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường tỉnh Hải Dương.
Bảo Ngọc