Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vè đại kính yêu của Đảng ta, của giai cấp công nhân và dân tộc ta. Đối với cán bộ, nhân dân Hải Dương, Người có sự quan tâm đặc biệt. Sinh thời Bác đã 5 lần về thăm và làm việc với Hải Dương. Bác đã nói chuyện, viết nhiều bài báo, gửi thư, tặng huy hiệu, tặng quà biểu dương, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Hải Dương đạt được thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng quê hương. Đó là di sản tinh thần vô giá góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương (01/4/1959 - 01/4/2019), xin ôn lại những lần Bác về thăm, làm việc với cán bộ và nhân dân Hải Dương.
Ngày 21 tháng 10 năm 1946
Sau chuyến thăm nước Pháp, từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hoả, Bác Hồ đã dừng chân vẫy chào công nhân và nhân dân ở ga Lai Khê (Kim Thành), ga Tiền Trung (Nam Sách) đang tập trung đón Bác, rồi Bác về ga Hải Dương. Gần một nghìn đồng bào tập trung ở ga Hải Dương nồng nhiệt chào đón Người. Sân ga Hải Dương dựng một lễ đài với nhiều cờ và hoa. Trên lễ đài, Bác nói chuyện với nhân dân về tình hình và kết quả đàm phán tại Pháp, về âm mưu của giặc và những khó khăn của đất nước. Bác nói về quyết tâm của Chính phủ và kêu gọi toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, chuẩn bị tinh thần, lực lượng và vũ khí sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù bội ước, để giữ bằng được độc lập, tự do cho dân tộc…Cuối buổi, số người đến nghe Bác nói chuyện tăng gấp đôi lúc đầu. Bác căn dặn: Quân dân Hải Dương phải đoàn kết một lòng, nghiêm chỉnh thực hiện Tạm ước 14/9, chuẩn bị lực lượng, tinh thần, sẵn sàng chiến đấu khi quân Pháp quay lại cướp nước ta lần nữa.
Sau buổi nói chuyện, Bác rời ga Hải Dương về Hà Nội. Khi tới ga Cẩm Giàng, mọi người giương cao cờ, biểu ngữ hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”. Trên tầu, Bác tươi cười đáp lại.
Cuộc gặp Bác tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Hải Dương. Ai nấy đều phấn khởi, quyết tâm sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương.
Ngày 31 tháng 5 năm 1957
Trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Hải Dương. Bác về xã Ái Quốc (Nam Sách) thăm một số gia đình, trong đó có gia đình cụ Vũ Văn Trung ở xóm Vũ Thượng có 3 con đi bộ đội. Tại hội trường Tỉnh uỷ (thị xã Hải Dương), sau là Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Bảo tàng tỉnh, Bác nói chuyện với trên 400 đại biểu là cán bộ Khu, cán bộ tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân. Người căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân phải nâng cao ý chí phấn đấu với tinh thần đồng cam cộng khổ, luôn đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ngày 1 tháng 4 năm 1959
Sau khi đi thăm tỉnh Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và TP Hải Phòng, trên đường về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Hải Dương. Tại trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ (thị xã Hải Dương), nay là Nhà khách Bạch Đằng, Bác nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Trong buổi gặp mặt thân mật này, Bác nói về nhiệm vụ của tỉnh nhà phải thực hiện trong thời gian tới: tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước giao, củng cố các tổ chức cho vững mạnh… Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được của nhân dân Hải Dương và cán bộ tỉnh Hải Dương, nhất là phong trào sản xuất nông nghiệp và Bác nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ đông như cần bón thêm phân và ra sức chống hạn.
Ngày 26 tháng 7 năm 1962
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Dương. Buổi sáng, Người nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân). Bác khen Hải Dương có nhiều tiến bộ về mọi mặt so với năm 1957. Sau đó Bác về thăm bà con nông dân xã Ứng Hoè và xã Hiệp Lực (Ninh Giang). Tại xã Hiệp Lực, Người tham gia guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân và căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi. Bác lẩy hai câu Kiều tặng bà con nông dân:
“Trăm năm trăm cõi người ta
Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”
Sau khi thăm cán bộ và nhân dân xã Hiệp Lực, Bác về hội trường Nhà máy Xay Ninh Giang nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân huyện Ninh Giang.
Buổi chiều, Bác về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương (này là Công ty Sứ). Thăm các phân xưởng sản xuất. Tới phân xưởng vẽ hoa trên sứ, Bác nói “Sứ Việt Nam cần vẽ hoa Việt Nam”, rồi Bác cầm bút viết lên bình hoa 5 chữ: “ Phải cố gắng tiến bộ”, bên dưới ký tên Bác Hồ.
Ngày 15 tháng 2 năm 1965
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Dương. Buổi sáng Bác về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) - lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác. Tại đây, Bác nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân trong và ngoài xã. Sau khi biểu dương thành tích, Bác nhắc nhở: “Đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với thành tích bước đầu, mà cần phải cố gắng hơn nữa”.
Buổi trưa, Bác tới thăm Nam Chính (Nam Sách) - xã có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân trong xã, xem các công trình vệ sinh như: giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh của xã và căn dặn cán bộ, nhân dân trong xã: “Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá… Bác mong Hải Dương có nhiều xã như Nam Chính”.
Buổi chiều, Bác về thăm Côn Sơn (Chí Linh) - một di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng quốc gia từ năm 1962, nơi gắn bó với nhiều danh nhân trong lịch sử dân tộc, trong đó có Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Sau khi đi thăm di tích, Bác đọc bia chùa Côn Sơn, viết vào sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích lịch sử văn hoá trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, “phải biến nơi đây thành Trùng lâm đẹp đẽ”.
* Theo cuốn sách Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ.
Hải Ninh