Công nghệ CAS mở lối ra chất lượng cao cho nông sản Việt Nam

           Với sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, công nghệ CAS (Cell-Alive-System) được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp nhà nước cho thấy, công nghệ này đã thực sự mở lối ra, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm nước ta.    
Công nghệ CAS mở lối ra chất lượng cao cho nông sản Việt Nam

Theo tìm hiểu, công nghệ CAS là công nghệ kết hợp làm lạnh nhanh với việc tạo trường điện tử kết hợp với sóng siêu âm, nhằm bảo quản sản phẩm tươi sống, giúp các phân tử nước trong tế bào phân tấn trở nên linh hoạt, không bị tập trung, đóng băng trong thời gian bảo quản. Nhờ vậy, cấu trúc mô tế bào trong quá trình bảo quản lạnh sẽ không bị phá vỡ, ức chế quá trình oxy hóa, chống sự nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên hương thơm, mùi vị và lượng nước cần thiết để làm tươi sản phẩm trong một thời gian dài. Ngoài ra, đây là công nghệ sạch và kinh tế trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi.

Hệ thống tế bào sống là công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bảo quản nông sản, thực phẩm, hải sản tuơi sống. Đây là công nghệ tiên tiến bậc nhất về bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm trên thế giới do Tập đoàn ABI là chủ sở hữu độc quyền sáng chế.

Với công nghệ này, các sản phẩm nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sẽ được tồn lại lâu hơn với thời gian. Các loại trái cây, thực phẩm ở Việt Nam có số lượng, khối lượng lớn sẽ không phải đổ bỏ, lãng phí. Nhờ công nghệ CAS có thể bảo quản lâu hơn mà không ảnh hưởng, liên quan bởi hóa chất độc hại tới sức khỏe người dùng.

Tại buổi họp nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Nhật Bản: “Hợp tác xây dựng Trung tâm công nghệ CAS bảo quản nông sản, thực phẩm Việt Nam” mới đây, PGS.TS Trần Ngọc Lân, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ là ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ CAS (Cell-Alive-System) của Nhật Bản vào thực tế bảo quản nông sản, hải sản ở Việt Nam nhằm nâng cao giá trị thương phẩm, đảm bảo chất lượng xuất khẩu và đầu ra cho các nông sản chủ lực, có giá trị thương phẩm cao, có giá trị kinh tế cao. Góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa và kinh tế - xã hội. 

Theo PGS.TS Trần Ngọc Lân, qua ba năm triển khai nghiên cứu (2012 - 2015), Nhiệm vụ đã đạt được các kết quả nổi bật như: Phát triển nguồn nhân lực, nắm vững công nghệ CAS và ứng dụng thành thạo công nghệ CAS để bảo quản một số nông sản, hải sản và thực phẩm Việt Nam. Xây dựng được phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS. Phân tích đánh giá được chất lượng nông sản (quả vải), hải sản (tôm sú, cá ngừ) bảo quản bằng công nghệ CAS. Xây dựng được quy trình công nghệ CAS để bảo quản một số nông sản Việt Nam (quả vải, tôm sú, cá ngừ). Phân tích đánh giá được khả năng chuyển giao công nghệ CAS cho doanh nghiệp bảo quản, chế biến xuất khẩu nông sản, hải sản. Tổ chức thành công hội thảo công nghệ CAS và khả năng ứng dụng bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm Việt Nam.

Ông Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cho rằng, khoa học và công nghệ luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện quan trọng quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Việt Nam là một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp phong phú với nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng vẫn chưa thực sự được khai thác đúng mức. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản vẫn được đưa ra thị trường và xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp. Vì lý do đó, trong thời gian qua Bộ khoa học và công nghệ đã giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng hợp tác với Công ty ABI Nhật Bản để tiếp nhận công nghệ CAS và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, để thúc đẩy phát triển công nghệ CAS của Nhật Bản tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chuyến công tác và thực tế tại Nhật Bản.

Theo tin thần hợp tác, Tập đoàn ABI và Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng ký kết: Tập đoàn ABI đồng ý chuyển giao công nghệ CAS cho đơn vị duy nhất tại Việt Nam là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, bao gồm: Công nghệ chế tạo thiết bị CAS, Ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản thực phẩm và chế biến nông, thủy hải sản, thực phẩm; đào tạo cán bộ nghiên cứu, vận hành thiết bị và công nghệ. Triển khai xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ CAS (qui mô pilot) bao gồm: cung cấp 3 thiết bị chính của công nghệ CAS, hướng dẫn vận hành, sử dụng thiết bị. Chuyển giao quy trình bảo quản nông sản, thực phẩm bằng công nghệ CAS và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản một số nông, sản phẩm nhiệt đới. Chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị CAS cho Việt Nam. Xây dựng đề án thành lập công ty liên doanh sản xuất thiết bị CAS và hệ thống đông lạnh nhanh, ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản chế biến một số nông sản, thực phẩm nhiệt đới cung cấp cho thị trường nội địa, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác.

Ông  Norio Owada, chủ tịch Tập đoàn ABI (Nhật Bản) cho biết, công nghệ CAS được chuyển giao vào Việt Nam sẽ giúp người làm nông nghiệp, ngư dân, hay những người chăn nuôi gia súc có cuộc sống tốt hơn.

"Nếu sản phẩm thu hoạch từ nông sản, thủy sản hay hải sản cho vào tủ đông lạnh của công nghệ CAS, thì sản phẩm đó có thể để một năm, 5 năm, thậm chí 10 năm, đến khi đưa ra ngoài, sản phẩm vẫn còn tươi nguyên như khi mới thu hoạch. Khi hoa quả xuất khẩu, nếu không có kỹ thuật bảo quản nó sẽ chóng hỏng, khi đó giá thành sẽ thấp, vì vậy khi Việt Nam sử dụng công nghệ của chúng tôi, các bạn có thể đưa nguyên liệu hay sản phẩm ra các nước Đông Nam Á, và nhiều nước khác trên thế giới với giá thành cao hơn", ông Owada nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thực trạng hiện nay ở Việt Nam, nhiều loại nông sản chín rộ, được bán với giá rất rẻ. 

"công nghệ CAS có thể bảo quản thực phẩm đến 10 năm, hoa quả sau khi thu hoạch tươi như thế nào thì vài năm sau mang ra, chúng vẫn tươi xanh như thế", ông Quân nói.

Theo vietq.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây